Dân Việt

Đau tức ngực, khó thở vì khối u tuyến ức lớn chèn ép

Diệu Linh 10/08/2024 09:30 GMT+7
Con tức ngực, khó thở cha mẹ vẫn tưởng bình thường, cho đến khi khối u tuyến ức lớn và chèn ép nặng nề.
Tin từ Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch lồng ngực của bệnh viện vừa tiến hành phẫu thuật cho một trường hợp trẻ nam 11 tuổi có khối u tuyến ức lớn.

Gia đình cho biết ban đầu trẻ có biểu hiện đau tức ngực, khó thở vào buổi tối khi nằm. Tuy nhiên, trẻ vẫn ăn ngủ bình thường, không gầy sút cân nên gia đình cũng không cho trẻ đi khám. 

Chỉ đến khi trẻ kêu đau tức ngực nhiều và cảm giác khó thở tăng lên, gia đình mới đưa trẻ đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí để tiến hành kiểm tra. 

Tại Bệnh viện, sau khi tiến hành thăm khám, trên kết quả chụp CT.Scanner phát hiện u tuyến ức lớn. Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật u tuyến ức cho trẻ.

Đau tức ngực, khó thở vì khối u tuyến ức lớn chèn ép- Ảnh 1.

Các bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhi bị khối u tuyến ức lớn. Ảnh BVCC

Theo bác sĩ Nguyễn Đức Hoành - Trưởng khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch lồng ngực cho biết, đối với một ca phẫu thuật cắt u tuyến ức lớn cho trẻ gặp rất nhiều khó khăn từ gây mê đến phẫu trường nhỏ do cấu trúc cơ thể của trẻ nhỏ… 

Các bác sĩ đã hạn chế tối đa việc mở ngực bên, kèm theo cắt nhiều khớp ức sườn vì như vậy có thể để lại nhiều di chứng cho trẻ sau phẫu thuật. Thay vào đó các bác sĩ đã lựa chọn đường mổ giữa ngực chẻ xương ức giúp tạo thuận lợi cho việc phẫu tích cắt và lấy trọn u, tránh nguy cơ tái phát về sau.

Sau hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã kết thúc, khối u kích thước gần 5x4cm đã được các bác sĩ bóc tách và cắt bỏ thành công. Sau phẫu thuật trẻ được chăm sóc và điều trị tại đơn vị Hồi sức tích cực Nhi. Hiện sức khỏe trẻ ổn định và đã được xuất viện.

Bác sĩ Hoành chia sẻ, u tuyến ức là u biểu mô hiếm gặp của tuyến ức. Ở giai đoạn sớm, u có kích thước nhỏ, thường không có triệu chứng.

Đến giai đoạn muộn, u có kích thước lớn và ác tính hóa, gây tình trạng chèn ép và thâm nhiễm các tổ chức xung quanh như màng tim, màng phổi, khí quản và các động mạch lớn đi ra từ tim, phổi (quai động mạch chủ, động mạch phổi…) gây ra các triệu chứng lâm sàng như đau ngực, khó thở, ho, nấc, khàn giọng… 

Do đó, nếu thấy con bị đau tức ngực, khó thở, cha mẹ không nên chủ quan bỏ qua mà nên đưa trẻ đi thăm khám để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.