Dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa ở trẻ em, cha mẹ không nên bỏ qua

Diệu Linh Thứ sáu, ngày 09/08/2024 06:07 AM (GMT+7)
Nhiều bệnh nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa do viêm loét dạ dày - tá tràng mới chỉ 10-16 tuổi.
Bình luận 0

Thời gian gần đây, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) thường xuyên tiếp nhận các trường hợp trẻ em bị xuất huyết đường tiêu hóa do viêm loét dạ dày - tá tràng. Tuổi của các bệnh nhi này mới 10-16 tuổi. 

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu. 

Xuất huyết tiêu hóa chiếm khoảng 10% - 20% các trường hợp đến khám tại chuyên khoa tiêu hóa. Tuy nhiên mức độ xuất huyết có thể khác nhau. Bệnh có thể là một cấp cứu đòi hỏi phải được chẩn đoán và điều trị kịp thời hoặc cũng có thể là biểu hiện nhẹ cho phép trì hoãn trong chẩn đoán và điều trị. 

Theo bác sĩ Hiếu, trước kia, xuất huyết đường tiêu hóa chỉ thường xảy ra với người lớn, do dạ dày có thời gian dài quá tải vì các thói quen ăn ngủ, sinh hoạt không khoa học của người lớn. Nhưng hiện nay, ngày càng nhiều ca xuất huyết đường tiêu hóa ở trẻ em. 

Nguy cơ gây xuất huyết đường tiêu hóa ở trẻ em - Ảnh 1.

Cha mẹ không nên bỏ qua các dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa ở trẻ. Ảnh minh họa giforkids

Nguyên nhân gây xuất huyết đường tiêu hóa

Bác sĩ Hiếu cho biết, xuất huyết đường tiêu hóa có rất nhiều nguyên nhân đến từ bệnh tật, nuốt phải dị vật, viêm loét thực quản, dạ dày, u máu, viêm ruột hoại tử, do vi khuẩn, ký sinh trùng... Để biết cụ thể cần phải thăm khám, chiếu chụp, xét nghiệm kỹ càng. 

Tuy nhiên, ở trẻ em một số triệu chứng của trẻ gợi ý các nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em như: 

- Trẻ xuất hiện các triệu chứng nôn trớ, tiêu chảy, sốt hoặc có tiền sử tiếp xúc  với người có triệu chứng tương tự gợi ý nguyên nhân nhiễm trùng.

- Đi ngoài phân máu kèm theo nôn nhiều hoặc các biểu hiện của tắc ruột gợi ý bệnh lý do xoắn trung tràng, lồng ruột hoặc viêm ruột hoại tử đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

- Nôn tái diễn hoặc nôn mạnh gợi ý hội chứng Mallory-Weiss.

- Tiền sử gia đình có người bị loét dạ dày tá tràng.

- Tiền sử sử dụng thuốc kháng viêm non-steroid (NSAID), steroid, tetracycline, các chất ăn mòn, dị vật tiêu hóa có thể gây kích ứng niêm mạc tiêu hóa gây biểu hiện nôn máu lẫn với các chất nôn.

- Tiền sử vàng da kéo dài, dễ chảy máu hoặc xuất huyết, phân bạc màu gợi ý bệnh lý gan mật.

- Tiền sử đi ngoài phân máu tái đi tái lại với vệt máu bao dọc khuôn phân gợi ý nguyên nhân polyp.

- Tiền sử sử dụng kháng sinh gợi ý nguyên nhân viêm đại tràng liên quan đến sử dụng kháng sinh và Clostridium difficile.

- Tiền sử sử dụng các thuốc làm cho phân có màu đen: sắt, bismuth…

Triệu chứng xuất huyết đường tiêu hóa

Theo bác sĩ Hiếu, những biểu hiện lâm sàng của xuất huyết tiêu hóa ở trẻ em thường gặp: 

- Nôn ra máu: Là sự xuất hiện máu tươi hoặc máu đen trong chất nôn của bệnh nhân

- Đi ngoài phân máu:

+ Phân có máu nâu đen, đỏ sẫm hoặc đỏ toàn bãi

+ Đi ngoài phân đen kèm theo nôn máu gợi ý nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa trên

+ Phân biệt triệu chứng phân đen do ăn các chất làm cho phân có màu đen (tiết, đỗ đen) hoặc sử dụng các thuốc (sắt, bismuth).

- Biểu hiện toàn thân :

+ Thiếu máu tùy theo mức độ mất máu

+ Khát nước, rối loạn tri giác khi mất một lượng máu lớn cấp tính

+ Shock do giảm thể tích tuần hoàn: thay đổi nhịp tim, huyết áp, thời gian phục hồi màu da (dấu hiệu refill), thay đổi mạch, huyết áp khi thay đổi tư thế

- Khi bệnh nhân nhập viện các bác sĩ sẽ kiểm tra vùng tai mũi họng tìm dấu hiệu chảy máu điểm mạch, polyp mũi, tổn thương hầu họng có các chất ăn mòn hoặc thuốc

- Kiểm tra bụng tìm các sẹo mổ cũ, khối lồng hoặc các triệu chứng của bụng ngoại khoa

- Xem xét các biểu hiện gợi ý nguyên nhân: gan lách to, tuần hoàn bàng hệ, xuất huyết dưới da…

"Các bậc cha mẹ và người nhà cần chú ý phát hiện một số dấu hiệu xuất huyết đường tiêu hóa sớm ở trẻ để đưa đi khám và điều trị như Đau bụng, nôn, ợ hơi ợ chua; Vàng da vàng mắt; Xuất huyết dưới da;  Da xanh; Ăn kém...", bác sĩ Hiếu khuyến cáo. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem