Ông Trương Gia Bình dẫn lời của Tổng Giám đốc Nvidia (Mỹ) rằng: Nếu Việt Nam chuyển đổi thành công hơn 1 triệu nhân sự làm công nghệ thông tin sang làm bán dẫn, Việt Nam sẽ bước vào nhóm các quốc gia tiên tiến nhất.
Và theo ông Bình, để làm được điều này, giới doanh nhân, doanh nghiệp Việt và người Việt ở khắp nơi trên thế giới đang quan tâm rất quyết tâm khởi nghiệp ngành bán dẫn, đi sâu vào ngành sản xuất chip ở Việt Nam.
Tại Tọa đàm "Phát huy vai trò của doanh nghiệp Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn" được Bộ KH&ĐT tổ chức mới đây, giới chuyên gia, doanh nghiệp Việt đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án Phát triển Nguồn nhân lực ngành bán dẫn đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 để Việt Nam không bị lỡ thời cơ.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam xác định cần phải ưu tiên đầu tư mạnh mẽ vào việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành.
"Đây không chỉ là yêu cầu cấp thiết để bắt kịp xu hướng công nghệ toàn cầu, mà còn là bước đi chiến lược nhằm xây dựng vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn", ông Dũng cho hay.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trong đó Bộ KH&ĐT được giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Tại Toạ đàm, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh cam kết đào tạo 10.000 nhân sự bán dẫn cho nước nhà và mong muốn làm nhiều hơn nữa.
"Chúng tôi tìm mọi đường, hợp tác với các đối tác ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan… để hợp tác đào tao, học hỏi và kỳ vọng có nhiều bạn trẻ tham gia học tập về bán dẫn để hoàn thành ước mơ chung của ngành bán dẫn Việt Nam", ông Trương Gia Bình nói.
Dẫn lời của CEO Nvidia, Chủ tịch FPT nêu: Họ nói nếu Việt Nam chuyển đổi 1 triệu nhân sự CNTT sang làm bán dẫn, thì Việt Nam sẽ bước vào nhóm các quốc gia tiên tiến nhất.
Ông Bình cho hay: Hiện có nhiều người Việt ở Mỹ là những "anh hùng hào kiệt" làm chip đã tập hợp với nhau để thảo luận, xây dựng các doanh nghiệp startup.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam như Vingroup, FPT, Viettel… cũng đang cố gắng từng ngày, biến ý tưởng thành hiện thực. Chúng tôi cần nhiều người chung tay làm chip.
Tại Toạ đàm, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng cho rằng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như: Synopsys, FPT, Viettel, Savarti, Renesas, Synapse… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạoSo với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố chiếm gần 10%.
Theo ông Quảng, Đà Nẵng quyết định xây dựng Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo trên cơ sở là nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại địa phương này. Đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.
Đà Nẵng dự kiến xác định mục tiêu đến năm 2030 đào tạo, phát triển ít nhất 5.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (trong đó, 2.000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử).