Vụ đấu giá đất ở Thanh Oai trong ngày 10/8 được đánh giá đã tạo nên kỷ lục về giá đất mới tại xã Thanh Cao. Phiên đấu giá không chỉ thu hút khoảng 1.600 người tham gia mà mặt bằng giá trúng cũng cao hơn từ 5 - 8 lần so với giá khởi điểm. Đáng chú ý, lô đất gần 65 m2 có giá trúng cao nhất 100,5 triệu đồng/m2, cao hơn giá khởi điểm 88 triệu đồng.
Ngay sau cuộc đấu giá, các hội nhóm về mua bán đất trên mạng xã hội xuất hiện nhiều "cò đất", rao bán với giá bằng giá trúng cộng với mức chênh từ 200 - 500 triệu đồng/lô, tùy diện tích và vị trí.
Theo khảo sát của Dân Việt, mức giá rao bán đất ở phổ biến trong quý 2 vừa qua tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai là 27 triệu đồng/m2, thấp hơn gần một nửa so với mức giá trúng thấp nhất tại phiên đấu giá ngày 10/8 (52 triệu đồng/m2). Còn mức giá giao dịch cao nhất trong 5 năm qua chỉ ở mức 48 triệu đồng/m2.
Trao đổi với PV Dân Việt, anh Bá Lân, môi giới bất động sản huyện Thanh Oai cho biết, giá đất nền tại khu vực xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai từ 15 - 25 triệu đồng/m2. Thực tế, trong nửa đầu năm 2024 có rất ít giao dịch đất nền, mức độ quan tâm cũng giảm mạnh so với các năm trước.
Đánh giá về mức giá trúng cao kỷ lục 100 triệu đồng/m2, anh Lân nhận định do tính chất đất đấu giá là loại hình có pháp lý đảm bảo, thông tin cụ thể được công khai nên nhiều người quan tâm.
"Giá trúng cao là do nhiều người đến đấu giá có cả những nhà đầu tư ở khu vực khác, họ đẩy giá lên cao hơn vì có thể không hiểu rõ khu vực này. Tuy nhiên, đấu được trúng vào thời điểm này là có lợi vì sắp tới giá đất vùng ven Hà Nội được dự báo sẽ tăng", anh Lân chia sẻ.
Ông Nguyễn Công Quảng, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai cho biết, đây là phiên đấu đầu tiên trong năm của huyện Thanh Oai, tạo nguồn thu để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn… Tổng số tiền huyện thu được từ phiên đấu giá đợt này ước tính hơn 404 tỷ đồng, cao hơn so với ban đầu dự kiến là khoảng 55 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nửa đầu năm 2024, phân khúc đất nền tại các huyện ngoại thành Hà Nội đang sôi động trở lại. Tuy nhiên, giao dịch đất nền có tăng nhiệt nhưng chưa thực sự sôi động, một số khu vực “nóng thật” nhưng có có khu vực xuất hiện dấu hiệu “thổi giá”.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho biết, đất đấu giá có sôi động hay không phụ thuộc vào thị trường bất động sản tại khu vực đó. Gần đây, nhiều tín hiệu tốt xuất hiện thì tình hình đấu giá đất cũng nhận được sự quan tâm lớn. Đặc biệt, các khu vực huyện sắp lên quận hoặc có các dự án giao thông, khu đô thị được xây dựng.
"Phân khúc đất đấu giá lại có pháp lý tốt và được quan tâm từ nhà đầu tư cho đến người có nhu cầu sử dụng thật. Do vậy, không tránh khỏi loại hình đất này thường vượt trội so với mặt bằng giá trên khu vực đó", ông Điệp nói.
Ông Điệp cũng cho rằng, các phiên đấu giá đất sôi động là do từ 1/1/2026, Hà Nội sẽ áp dụng bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 và dự kiến giá đất sẽ tăng lên ngang ngửa với giá thị trường, đây là mấu chốt để các nhà đầu tư đang gom đất nền trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, thêm một nguyên nhân khác, khi thị trường đất nền tại các huyện vùng ven Hà Nội dần hồi phục tốt thì một số đối tượng sở hữu đất xung quanh khu đất đấu giá lợi dụng để đẩy giá cao, nhằm trục lợi.
"Về vụ đấu giá đất ở Thanh Oai khi có một vài lô đất trúng đấu giá cao vượt so với mặt bằng chung thì những ai sở hữu đất quanh đó lại nghiễm nhiên có lợi vì giá trị đất sẽ tăng lên và bán đất có lãi hơn", ông Điệp nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, khi thị trường đất nền sôi động, đấu giá đất trở thành một thị trường đầu cơ mới thay vì tạo thêm nguồn cung mới cho người có nhu cầu ở. Hiện tượng các suất trúng đấu giá liên tục bị mua đi bán lại không phải hiếm. Việc trúng đấu giá cao sẽ thiết lập mặt bằng giá mới cho toàn bộ khu vực xung quanh, nhiều người sẽ căn cứ vào mức này để đẩy giá chuyển nhượng lên cao.