Khởi xướng các vụ kiện chống bán phá giá thép HRC từ Trung Quốc, Ấn Độ là hai doanh nghiệp thép lớn hàng đầu Việt Nam là Hòa Phát và Formosa. Đây cũng là hai doanh nghiệp duy nhất trên thị trường thép Việt đầu tư vốn khổng lồ, đủ năng lực sản xuất thép cán nóng HRC - vốn đòi hỏi công nghệ, vốn lớn và sẵn sàng "đấu tay đôi" với các doanh nghiệp thép lớn của Trung Quốc.
Về lo ngại này, Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM), Bộ Công Thương cho biết, sau khi khởi xướng điều tra, cơ quan điều tra sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá gồm: Mức độ bán phá giá; Thiệt hại của ngành sản xuất thép cán nóng trong nước; Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá và thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.
Cơ quan điều tra khuyến khích các bên liên quan hợp tác cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác theo yêu cầu của cơ quan điều tra để bảo đảm quyền lợi của mình.
Đại diện Cục PVTM, Bộ Công Thương cho biết, việc điều tra sẽ kết thúc trong vòng 12 tháng kể từ khi có quyết định điều tra và có thể gia hạn thêm khoảng 6 tháng tiếp theo.
"Cơ quan điều tra sẽ thực hiện việc thẩm tra, xác minh lại các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc. Đồng thời, cơ quan điều tra cũng sẽ tổ chức tham vấn công khai để các bên liên quan trực tiếp trao đổi, cung cấp thông tin, bày tỏ quan điểm về vụ việc trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc", đại diện Cục PVTM, Bộ Công Thương cho hay.
Ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, trong quá trình điều tra, Cục Phòng vệ Thương mại sẽ xem xét tất cả yếu tố khách quan nhất. Trên cơ sở đó, đơn vị này kiến nghị lên Bộ Công Thương ra quyết định cuối cùng.
"Kể cả khi Bộ Công Thương quyết định khởi xướng điều tra cũng sẽ chưa có biện pháp nào áp dụng đối với thép cán nóng nhập khẩu", ông Trung nói.
Theo chuyên gia Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), kiện PVTM như chống bán phá giá thép HRC là sự kiện bình thường trong thông lệ thương mại quốc tế, là quá trình cạnh tranh với nhau. Theo ông, đây là bước trưởng thành của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, ông Hòe cũng rất băn khoăn, sau hàng chục năm từ đổi mới đến nay, năng lực cạnh tranh của nhiều ngành nghề doanh nghiệp Việt vẫn rất thấp.
Dù vậy, vị này cũng phải thẳng thắn thừa nhận, không riêng gì Việt Nam, ngay cả các nước khác trên thế giới, EU từng lo ngại sản xuất dư thừa của Trung Quốc. Thực tế, với công nghệ cập nhật hiện đại, nhiều nước phát triển còn không cạnh tranh được với Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, việc khởi xướng kiện chống bán phá giá của ngành thép Việt phù hợp, bởi ngày 1/8 Bộ Thương mại nước ngoài Vương quốc Thái Lan (DFT) cũng công bố mức thuế chống bán phá giá 30,91% đối với thép cuộn cán nóng (HRC) có thêm hợp kim từ Trung Quốc, dù trong nước sản lượng sản xuất mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.
Trước đó, Bộ Thương mại nước ngoài Thái Lan cũng đã mở một cuộc điều tra chống lẩn tránh đối với thép cuộn cán nóng hợp kim từ 17 nhà sản xuất ở Trung Quốc từ ngày 16/9/2023.
Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE): Ngay sau khi Hòa Phát và Formosa kiến nghị mở cuộc điều tra chống bán phá giá với thép HRC từ Trung Quốc, 12 doanh nghiệp sản xuất thép trong nước sử dụng thép HRC làm nguyên liệu thượng nguồn để sản xuất các sản phẩm như tôn mạ, ống thép đã gửi văn bản phản đối.
"Theo tôi câu chuyện phải bàn, muốn thắng kiện phải chuẩn bị đủ tài liệu, đúng quy trình và xem xét những phản hồi khác nhau. Kiện chống bán phá giá bản chất là bảo hộ sản xuất trong nước, vì thế phải làm rõ vấn đề năng lực sản xuất trong nước đã và đủ đáp ứng được về cả lượng, chất và giá cả hay chưa. Nếu bảo hộ cho một vài doanh nghiệp mà mất đi lợi thế cho nhóm doanh nghiệp khác - chọn HRC là nguyên liệu thượng nguồn thì cũng tác động lớn đến toàn ngành. Chúng ta cần bảo vệ thị trường trong nước, nhưng cũng cần xây dựng thị trường nguyên liệu đủ lớn, đủ cạnh tranh về giá để mọi doanh nghiệp đều được hưởng", ông Toàn nói.
Thực tế, tại Việt Nam, hai nhà máy lớn sản xuất thép HRC của Hòa Phát (tại Dung Quất - Quảng Ngãi) và Formosa tại Hà Tĩnh có vốn đầu tư lớn 20 tỷ USD. Việc Việt Nam chủ động sản xuất được thép HRC có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp trong nước, đặc biệt là thép HRC là một trong những sản phẩm tinh luyện đòi hỏi công nghệ cao, đầu tư vốn lớn mới.
Chính vì vậy, theo ông Toàn bài toán quan trọng hơn các vụ kiện chống bán phá giá, bảo hộ hàng trong nước chính là phải nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó mới có thể nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
"Nếu để đương đầu và cạnh tranh, chúng ta nên chọn cạnh tranh với các nước khu vực ASEAN, còn nói cạnh tranh với hàng hóa và doanh nghiệp Trung Quốc thì rất khó khăn", ông Toàn nói.
Ông Ngô Trung Hưng, Giám đốc marketing công ty Đại Việt Hương cho hay, đây là lần hiếm hoi chúng ta thấy doanh nghiệp Việt đứng lên khởi xướng. Nhưng lại có hai nhóm quan điểm, nhóm doanh nghiệp nói là phải kiện, còn nhóm doanh nghiệp bảo lưu không kiện.
"Chúng ta cần coi lại lý do tại sao sản xuất mãi mà chưa hài lòng về giá và chưa cạnh tranh được với họ. Theo tôi nguyên nhân chính là doanh nghiệp thép Việt Nam phát triển sau không có lợi thế quy mô, vốn, lao động và năng suất, công nghệ... do đó nói về giá là chúng ta thua họ", ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, doanh nghiệp Việt Nam đang thiếu cấu trúc mạnh để phát triển đạt lợi thế về quy mô. "Lợi thế quy mô chiếm 10-15% giá thành, tôi mua 1 container, giá 13 USD/kg, nhưng tôi mua 10 container, giá chỉ còn 2,1 USD/kg. Đàm phán lợi thế quy mô đối với lợi thế sản xuất, nguyên liệu thô, khoáng sản, lợi thế quy mô cũng không dưới 30%, cho giá thành sản phẩm đầu cuối cạnh tranh 10-15%", ông phân tích thêm.