Dân Việt

Một ngành hàng xuất khẩu hàng tỷ USD đang mở ra khi Việt Nam đàm phán với hàng loạt quốc gia

Theo số liệu của Bộ NNPTNT, 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi đạt 288 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chiếm phần lớn là các sản phẩm thịt chế biến, tiếp đến là thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Sản phẩm thịt, sản phẩm chăn nuôi Việt Nam đang hướng đến xuất khẩu ngành hàng tỷ USD

Thống kê của sơ bộ của Tổng cục Hải quan cũng cho biết, trong quý II/2024, Việt Nam xuất khẩu được 6,19 nghìn tấn thịt và sản phẩm thịt, trị giá 25,95 triệu USD, tăng 15,8% về lượng và tăng 9,5% về trị giá so với quý I/2024; so với quý II/2023 tăng 36,3% về lượng và tăng 8,8% về trị giá.

Thịt và sản phẩm thịt của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các nước thuộc khu vực châu Á, trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Hồng Kông (Trung Quốc), chiếm 41,59% về lượng và chiếm 56,46% về trị giá trong tổng xuất khẩu thịt và các sản phẩm thịt của cả nước.

Việt Nam xuất khẩu tổng số thịt và sản phẩm thịt trong quý II/2024 là 2,57 nghìn tấn, trị giá 14,65 triệu USD, tăng 0,8% về lượng, nhưng giảm 6,5% về trị giá so với quý I/2024; so với quý II/2023 tăng 25% về lượng và tăng 16,6% về trị giá.

Trong quý II/2024, các chủng loại thịt và sản phẩm từ thịt xuất khẩu chủ yếu gồm: Thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác, tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt ếch đông lạnh) được xuất khẩu chủ yếu sang Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ…; thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là thịt heo sữa nguyên con đông lạnh và thịt heo nguyên con đông lạnh) được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hồng Kông...

Thêm vào đó, thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là chân gà đông lạnh) của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang Hồng Kông (Trung Quốc), Trung Quốc, Lào… 

Đáng chú ý, xuất khẩu các chủng loại thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2023.

Xuất khẩu thịt - Ảnh 1.

7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu các sản phẩm của ngành chăn nuôi đạt 288 triệu USD, tăng 4,8% so với cùng kỳ. Trong đó, chiếm phần lớn là các sản phẩm thịt chế biến, tiếp đến là thịt heo tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045, ngành chăn nuôi đang bắt đầu triển khai 3 đề án lớn, hướng đến mục tiêu giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 - 4 tỷ USD vào năm 2030.

Để hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt từ 1 - 1,5 tỷ USD vào năm 2025, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long cho biết, đơn vị đang tích cực đàm phán để xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, EU, Anh, các nước Trung Đông. Đồng thời, tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã được mở cửa.

Bên cạnh đó, Cục Thú y đang tiếp tục đàm phán với Bộ An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc về điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm thịt gia cầm.

"Việt Nam và Hàn Quốc cũng đã thống nhất điều kiện về an toàn dịch bệnh đối với sản phẩm thịt gia cầm xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc", ông Long cho hay.

Năm 2024, Cục Thú y bắt đầu đàm phán với cơ quan thẩm quyền Nhật Bản về điều kiện, thủ tục để xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường này.

Để từng bước đáp ứng yêu cầu thị trường nhập khẩu, mục tiêu của NNPTNT đến năm 2025, xây dựng 11 vùng cấp huyện đối với các bệnh cúm gia cầm và Newcastle (gà rù) theo quy định của WOAH tại các tỉnh Đông Nam Bộ.

Đối với gia súc, ngoài duy trì được 4 huyện của tỉnh Bình Dương an toàn dịch bệnh theo quy định của Việt Nam với các bệnh lở mồm long móng và dịch tả lợn cổ điển sẽ xây dựng 4 huyện khác của tỉnh Bình Phước và ít nhất 2 huyện của tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng. Đặc biệt, theo quy định của của WOAH, Việt Nam sẽ xây dựng thành công vùng an toàn dịch bệnh đối với gia súc 4 huyện của hai tỉnh: Bình Phước và Bình Dương.

Hiện nay, cả nước có 1.779 cơ sở an toàn dịch bệnh và 152 vùng an toàn dịch bệnh tại 60 tỉnh, thành phố.

Không chỉ các cơ quan chức năng nỗ lực đàm phán, mở cửa thị trường, nhiều doanh nghiệp cũng chung tay cùng địa phương xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chuỗi chăn nuôi gắn chế biến với công nghệ hiện đại như Masan, C.P. Việt Nam, Koyu&Unitek, Japfa, De Heus, GreenFeed.

Tổ yến, gà chế biến... được xuất khẩu đi nhiều thị trường

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện chăn nuôi chiếm hơn 1/4 tỷ trọng toàn ngành nông nghiệp Việt Nam. Chăn nuôi Việt Nam đã có những bước tiến nổi bật mới trong bối cảnh phát triển công nghệ và hội nhập quốc tế. Tổng sản lượng của ngành chăn nuôi năm 2023 tăng 6,38% so với năm 2022.

Trong 3 năm qua, Việt Nam luôn duy trì đàn lợn đứng thứ 5 thế giới về đầu con, thứ 6 về sản lượng, cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thịt hơi mỗi năm. Đàn gia cầm đứng top đầu thế giới, trong đó thủy cầm đứng thứ 2 thế giới.

Chăn nuôi gia cầm giúp cung cấp 2,3 triệu tấn thịt hơi và 19,2 tỷ quả trứng. Sản lượng sữa tươi nguyên liệu của Việt Nam hiện đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN; sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp đứng số 1 khu vực Đông Nam Á, thứ 12 thế giới.

Xuất khẩu thịt - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến trong một lần tham quan khu sơ chế đóng gói trứng gà của Công ty QL, Tây Ninh. Ảnh: Minh Dương

Không chỉ đáp ứng cho nhu cầu trong nước, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam còn được xuất khẩu với tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 đạt 515 triệu USD, tăng 26,2% so với năm 2022.

Những năm gần đây, chúng ta hội nhập sâu rộng trên thị trường thế giới, các sản phẩm về chăn nuôi như mật ong, lợn sữa, tổ yến, gà chế biến... được xuất khẩu đi những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, Châu Âu...

Tuy nhiên, hiện nay ngành chăn nuôi trong nước nói chung và thế giới nói riêng có những khó khăn nhất định như biến động thị trường, thức ăn chăn nuôi, biến đổi khí hậu, dịch bệnh... Đây là những vấn đề cấp bách mà ngành chăn nuôi cần phải giải quyết trong thời gian tới.

Để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, theo ông Thắng cần nhiều khía cạnh đảm bảo hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi động vật. Do đó, xu hướng chuyển dịch ngành chăn nuôi trong thời gian tới cần phát triển, đáp ứng đồng bộ, sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn...

Cũng theo ông Thắng, trong các tháng đầu năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định ban hành 5 Đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược Phát triển chăn nuôi.

Ngay trong ngày đầu tháng 8, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 106/2024/NĐ-CP quy định Chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi.