Cụ thể, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái vừa có công văn gửi tới Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung tổ chức thi hành liên quan việc vay vốn theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7/7/2014 của Chính phủ.
Theo Tổng cục Thi hành án dân sự, trong thời gian qua, đơn vị này luôn xác định việc thi hành án có tài sản bảo đảm là tàu cá (được đóng theo Nghị định số 67, hay còn gọi là tàu cá 67) là loại việc thi hành án tín dụng ngân hàng có tính chất đặc biệt.
Trên cơ sở đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo đối với công tác này để vừa đảm bảo việc thu hồi vốn vay của các tổ chức tín dụng, vừa đảm bảo an ninh, chính trị địa phương và đời sống của ngư dân.
Một số cơ quan thi hành án dân sự cũng đã tích cực, chủ động đề ra nhiều biện pháp, giải pháp để thực hiện tối đa việc thi hành án như tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương trong việc thi hành đối với tài sản bảo đảm là tàu cá. Nhờ đó đã thu được những kết quả nhất định, trên 200 tỷ tương ứng với tỷ lệ thi hành xong về tiền đạt 15,5%.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thi hành án dân sự, so với yêu cầu thì kết quả như trên vẫn còn thấp, nhiều tài sản thời gian xử lý kéo dài, giảm giá trị.
Vì vậy để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc hỗ trợ ở mức cao nhất để ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả, yên tâm khi vươn khơi đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như nâng cao hơn nữa kết quả thi hành án đối với tài sản bảo đảm là tàu cá 67, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các địa phương thực hiện nghiêm túc một số nội dung.
Thứ nhất, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chấp hành viên trên địa bàn tập trung tổ chức thi hành dứt điểm các việc có tài sản bảo đảm là tàu cá theo Nghị định 67, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đúng quy định pháp luật; theo dõi, tổng hợp định kỳ hàng tháng, báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện đối với từng vụ việc.
Trong đó cần chú ý đến hình thức quản lý, xử lý phù hợp đối với tàu cá; phối hợp, báo cáo, đề nghị cơ quan chức năng, người có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp có điều kiện thi hành nhưng cố tình chây ì, cản trở, chống đối, không phối hợp dẫn đến kéo dài việc thi hành án.
Thứ hai, quá trình tổ chức thi hành đối với các vụ việc có tài sản đảm bảo là tàu cá 67 phải vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự, vừa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản đạt hiệu quả, yên tâm khi vươn khơi đánh bắt xa bờ, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái giao Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tổng hợp báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi hành án dân sự xem xét, chỉ đạo các sở, ngành của tỉnh (nhất là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tín dụng ngân hàng) phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thi hành án dân sự tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh và chỉ đạo biện pháp tổ chức thi hành phù hợp với loại vụ việc này.
Trước hết, tổ chức cho bên phải thi hành án và bên được thi hành án là các tổ chức tín dụng, ngân hàng thoả thuận việc thi hành án bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự theo đúng quy định của pháp luật về thi hành án dân sự cũng như chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ ngư dân.
Thứ ba, trường hợp sau khi báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh nhưng vẫn còn khó khăn, vướng mắc, cơ quan thi hành án dân sự địa phương cần kịp thời báo cáo về Tổng cục Thi hành án dân sự tháo gỡ, giải quyết hoặc tham mưu để tỉnh báo cáo các bộ, ngành liên quan có biện pháp tháo gỡ.