Gia đình bà Nguyễn Thị Hương, xã Thanh Hoà (Thanh Chương, Nghệ An) trồng 500 gốc cau, trong đó, có 250 gốc đã cho thu hoạch, còn 250 gốc đang thời kỳ phát triển. Kể từ đầu vụ đến nay, gia đình bà đã bán gần 1 tạ cau quả, giá cau thời điểm đó là 52.000 – 55.000 đồng/kg.
“Mỗi năm như thế sẽ bắt đầu từ Rằm tháng 6 đến hết tháng 11 âm lịch, chia làm 4 đợt thu hoạch, khoảng 20-25 ngày cho thu hoạch 1 lứa. Trong đó đợt hái thứ 2, 3 là cho năng suất cao nhất.
Giá bán đầu vụ là 50.000 đồng/kg, song liên tiếp khoảng 1 tháng nay thì giá cau tăng mạnh, lên 55.000 đồng, 60.000 đồng và nay là 65.000 đồng/kg. So với năm ngoái là tăng gấp 8-10 lần”, bà Hương chia sẻ.
Với đặc thù đất đồi, cau là cây trồng khá phổ biến trong vườn của các hộ dân ở các xã Thanh Nho, Thanh Hoà, Phong Thịnh, Cát Văn, Hạnh Lâm (Thanh Chương). Chưa có thống kê cụ thể, song, hầu như hộ gia đình nào ở vùng này cũng trồng cau trong vườn, nhà ít thì 5-7 cây, nhà nhiều lên đến hàng trăm cây.
Cây cau dù không phải là cây trồng chủ lực ở các địa phương này song là cây mang lại thu nhập khá cho người dân. Cau được mùa nên người dân rất phấn khởi.
“Năm nay, giá cau từ đầu vụ đã ở mức cao và đang tăng dần. Với mức giá này, có những hộ thu về cả trăm triệu từ bán cau quả”, chị Nguyễn Thị Oanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Hoà cho biết.
Nếu như 2 năm trước, giá cau lao dốc, từ 12.000 đồng/kg từ đầu vụ, giữa vụ xuống còn 5.000 - 7.000 đồng và sau đó “chạm đáy” 2.000-3.000 đồng/kg vẫn không có người thu mua. Nhiều gia đình để cau chín vàng trên cây, rụng đầy dưới đất.
Ông Trần Văn Hoá (xã Cao Sơn, Anh Sơn) cho biết: “Nếu như năm 2021, giá cau cao kỷ lục, 1kg đạt 90.000 đồng/kg thì năm 2022, 2023 giá cau sụt giảm trầm trọng. Năm 2022, chỉ còn 5.000 đồng/kg mà cũng không bán được vì không có thương lái thu mua. Năm nay, cau được mùa, được giá, người trồng chúng tôi rất phấn khởi”.
Cau tăng giá, do đó, từ đầu vụ (tháng 5 âm lịch), thương lái khắp nơi đã đổ về các vùng quê trồng nhiều cau để cọc tiền trước, thậm chí mua cả vườn khi cau mới ra quả non.
“Mọi năm, vườn cau 100 cây đang cho quả thì bán cho thương lái trong xã. Năm nay, thấy thương lái từ Anh Sơn đến, Đô Lương sang, thậm chí cả ở phía Bắc cũng vào hỏi mua. Họ trả 40 triệu rồi lên 50 triệu đồng để mua cả 100 cây khi quả còn non nhưng gia đình không bán. Bởi tính sơ sơ, 100 gốc cũng cho thu hoạch khoảng 2,5 tấn quả, với giá bán hiện tại thì thu về khoảng 150 triệu đồng”, anh Nguyễn Văn Thể, một hộ trồng cau ở xã Thanh Nho (Thanh Chương) cho biết.
Là thương lái chuyên thu mua cau, chị Nguyễn Thị Thương Hoài (xã Khai Sơn, Anh Sơn) cho biết, năm nay, giá cau neo cao từ đầu vụ và tăng dần theo từng ngày. Riêng tại Nghệ An, giá cau đang ở mức 60.000-65.000 đồng/kg (tùy loại). Cau chủ yếu được thu mua, sơ chế rồi nhập cho các lò. Từ đó, họ hấp, sấy khô và bán lại cho các thương lái để xuất sang Trung Quốc, Ấn Độ... Năm nào nhu cầu tiêu thụ của thị trường này tăng cao thì giá cau leo thang.
Do phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên biến động rất thất thường. Giá cau đang ở mức cao nhưng nếu phía Trung Quốc ngừng thu mua lập tức sẽ hạ. "Có năm đang thu mua với giá 70.000 đồng/kg nhưng chỉ vài ngày sau, xuống chỉ còn 5.000-7.000 đồng/kg”, chị Thương Hoài cho biết.
Đã nhiều năm nay, giá cau thường trồi sụt theo nhu cầu thất thường của thương nhân Trung Quốc. Nhiều địa phương khuyến cáo nông dân, cau không phải là cây phổ biến, giá cả bấp bênh, thị trường loại quả này không nhiều. Do đó, bà con chỉ nên trồng xen canh hoặc khu vực triền dốc để chống xói mòn, trồng tận dụng đất bờ rào, bờ vùng, bờ thửa. Đặc biệt, người dân không nên ham giá cao mà trồng ồ ạt cau theo phong trào.