Ngày 14/8, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế, số ca mắc số sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh đã tăng đột biến, diễn biến phức tạp.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tại Thừa Thiên Huế đã ghi nhận gần 900 ca bệnh xác định sốt xuất huyết Dengue. Số ca mắc sốt xuất huyết ở tỉnh đã tăng hơn 5 lần so với cùng kỳ năm 2023 và tất cả các huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn đều đã xuất hiện ca bệnh.
Riêng trong nửa tháng 8/2024, Thừa Thiên Huế có hơn 80 ca bệnh sốt xuất huyết Dengue, trong đó TP Huế là địa bàn "nóng" nhất của tỉnh. Số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tại Trung tâm Y tế TP.Huế tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2023. Trung bình mỗi tuần khoa Nội nhi - Truyền nhiễm của Trung tâm Y tế TP Huế tiếp nhận 10-15 trường hợp có kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính.
Tại Bệnh viện Trung ương Huế - đơn vị tiếp nhận số lượng bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue lớn nhất trên địa bàn tỉnh, tính trong 7 tháng đầu năm 2024, đã điều trị cho 712 ca bệnh sốt xuất huyết, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế, dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue ở tỉnh năm nay rất phức tạp, khó lường. Thời tiết nắng mưa xen kẽ là yếu tố nguy cơ cao tạo điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sản và phát sinh bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh.
Huyện miền núi A Lưới của tỉnh là địa phương không có ca bệnh trong các năm 2021, 2023 và có 15 ca bệnh rải rác vào năm 2022, tuy nhiên thời gian vừa đã ghi nhận gần 30 ca mắc sốt xuất huyết Dengue ở các xã Hồng Thủy, Hồng Hạ, thị trấn A Lưới... Tình hình dịch sốt xuất huyết tại đây đang có chiều hướng lây lan ra các xã khác khi 9/18 xã, thị trấn của huyện đã ghi nhận ca bệnh.
Ngoài tiến hành phun chủ động và thau vét bọ gậy trên địa bàn nhằm khống chế, không để dịch sốt xuất huyết tiếp tục lan rộng, ngành y tế Thừa Thiên Huế khuyến cáo người dân tăng cường vệ sinh môi trường xung quanh khu vực sinh sống, nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống dịch sốt xuất huyết.