TS. Trần Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển Nông thôn (PTNT) cho biết như thế tại buổi tọa đàm về "Tín chỉ carbon và nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon" do Trường Chính sách công và PTNT phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Công ty TNHH hệ sinh thái Vos Holdings tổ chức tại TP.HCM, ngày 16/8.
Để nói về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho thị trường tín chỉ carbon, TS. Trần Minh Hải lấy đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL để minh họa.
Theo TS. Hải, đề án này không phải thực hiện chỉ để bán tín chỉ carbon. Lâu nay, nhiều thông tin và nhiều cách hiểu còn bị lệch.
Đề án này nhằm xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp, phát triển bền vững, và đặc biệt là tăng thu nhập cho người trồng lúa.
"Đó mới là mục tiêu lớn, và trong mục tiêu tổng thể này việc bán tín chỉ carbon là phần nhỏ", TS. Hải nhấn mạnh.
Thế nhưng việc trồng lúa giảm phát thải ở ĐBSCL đang gặp không ít khó khăn, trong đó có việc thông tin tín chỉ carbon trồng lúa đang bị làm nhiễu.
Cụ thể là nhiều doanh nghiệp đi xuống các vùng trồng lúa cam kết sẽ mua với giá 20 USD/tín chỉ carbon.
"Hoặc có công ty khác, cắm tấm bảng xuống ruộng rồi nói quá là ruộng đang làm tín chỉ carbon nhưng thực chất là kinh doanh vật tư nông nghiệp", TS. Hải kể.
Trên thế giới chưa có quốc gia nào thương mại tín chỉ carbon trồng lúa (giảm thải), mà mới chỉ có các dự án. Ngay cả các chi phí để tính được giá thành 1 tín chỉ carbon cũng chưa được thống nhất.
Theo TS. Hải, giá 1 tín chỉ carbon trồng lúa không đơn giản là giá, mà còn có ý nghĩa và nhiều lợi ích kép khi áp dụng sản xuất giảm phát thải. Từ đó sẽ có khung pháp lý cụ thể có tỷ lệ "ưu tiên" cho người tham gia trồng lúa giảm phát thải. Việc đào tạo cán bộ quản lý đang trở nên cấp thiết đề xử lý như thế này.
Thêm nữa, 3 nội dung chính sản xuất giảm phát thải (tín chỉ carbon) trong đề án 1 triệu ha lúa gồm: Giảm đầu vào (giống, phân đạm, thuốc BVTV); Áp dụng tưới ngập khô xen kẻ; Lấy rơm ra khỏi đồng ruộng hoặc xử lý rơm giảm phát thải.
Tất cả các khâu này đều cần phải đào tạo. Và theo TS. Hải, việc đào tạo này cần thiết cho cán bộ quản lý nhà nước về sản xuất giảm phát thải, thị trường tín chỉ carbon và quản lý nhà nước liên quan thị trường tín chỉ carbon. Đồng thời đào tạo cán bộ thực địa ghi chép nhật ký sản xuất; thiết lập hồ sơ sản xuất giảm phát thải.
Theo TS. Lê Hoàng Thế, nhà khoa học chuyên ngành môi trường tại Nhật Bản, Việt Nam là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn về cung ứng tín chỉ carbon.
Theo ước tính, riêng lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam đã có 57 triệu tín chỉ carbon, tương đương 52 triệu tấn CO2 có thể bán ra cho các tổ chức quốc tế.
TS. Thế cho rằng, để có thị trường tín chỉ carbon thì không thể mơ mộng "có một cây là có rừng, và rừng sẽ lên xanh", mà phải có nguồn nhân lực để thực hiện các kỹ thuật khai thác, đàm phán và giao dịch.
Trước mắt, cần đào tạo khoảng 150.000 lao động chuyên nghiệp. Lực lượng này được trang bị kiến thức để hiểu biết chuyên sâu về các cơ chế thẩm định, lập hồ sơ liên quan, kê khai và đánh giá các loại tín chỉ carbon.
"Trong đó, đào tạo thẩm định viên carbon có chuyên môn và chứng nhận quốc tế là một mắt xích quan trọng, giúp Việt Nam vận hành thị trường tín chỉ carbon", TS. Thế nói.
Theo ông Nguyễn Trung Đông - Hiệu trưởng Trường Chính sách công và PTNT, dù tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon rất lớn, nhưng hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Giảm phát thải khí nhà kính có nhiều cách và có nhiều cơ chế. Có thể kể đến như hấp thụ hay giảm thải. Bên cạnh đó, mỗi loại cây, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực, mỗi thị trường tín chỉ carbon sẽ có những điểm khác biệt nhất định.
Do vậy, Việt Nam cần có hoạt động đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng đúng quy định của từng thị trường, khai thác có hiệu quả năng lực giảm phát thải hay hấp thụ của từng loại cây, đưa ra các quyết định quản lý nhà nước đúng với định hướng của ngành, lĩnh vực về giảm phát thải.
"Với vai trò là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Bộ NNPTNT, Trường Chính sách công và PTNT đã chủ động phối hợp với các đối tác uy tín để triển khai các chương trình đào tạo chuyên sâu về tín chỉ carbon", ông Nguyễn Trung Đông cho biết.