Một phụ huynh ở Hà Nội có thắc mắc về chương trình học đã bị trường "dừng đào tạo" đang nhận được quan tâm từ dư luận. Theo đó, anh Nguyễn Đăng Bằng, phụ huynh em N.N.H, học sinh Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh, Hà Nội, cho biết, đã chính thức rút hồ sơ chuyển trường cho con sau khi bị trường "dừng đào tạo" vì có ý kiến về chương trình đào tạo lớp chất lượng cao.
Sáng 16/8, trao đổi với PV báo Dân Việt, anh Bằng thông tin: "Sáng nay tôi đã lên trường và nhà trường cũng đã thu hồi Quyết định số 41 (dừng đào tạo với học sinh) và kèm theo thư xin lỗi. Tôi ghi nhận ý kiến của nhà trường vì thấy chưa đúng đã sửa sai. Ngày mai, con tôi bắt đầu đi học ở trường mới. Tôi cũng mong vụ việc dừng lại vì không muốn ảnh hưởng đến học tập của con và thời gian của gia đình".
Ý kiến về vụ việc này, trao đổi với PV báo Dân Việt, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền, cố vấn giáo dục mầm non và phổ thông, nêu quan điểm: "Đối với trẻ nhỏ, trách nhiệm cao nhất là phụ huynh. Đối với nhà trường, phụ huynh cũng rất quan trọng vì chỉ tin tưởng trường phụ huynh mới lựa chọn cho con học. Do vậy, phụ huynh trường công hay trường tư đều có quyền thắc mắc về chương trình học, phương pháp giáo dục của cơ sở đào tạo.
Để mang lại hiệu quả trong giáo dục con trẻ, gia đình và nhà trường nên phối hợp để thấu hiểu, hỗ trợ nhau.
Không chỉ trong môi trường giáo dục mà ở nhiều lĩnh vực khác, sự hợp tác hai bên đều cần có sự đồng thuận hoặc tiến tới các giải pháp hiệu quả, tối ưu của các bên liên quan. Thực tế, không phải lúc nào phụ huynh cũng hài lòng với nhà trường và ngược lại nhà trường cũng không thể đáp ứng hết nhu cầu phụ huynh. Nhà trường cũng rất áp lực vì một trường có vài nghìn học sinh, đồng nghĩa với việc phải đáp ứng được hết nhu cầu của hết tất cả các phụ huynh. Tuy nhiên việc này có thể giải quyết qua đối thoại ôn hòa với nhau".
Quay trở lại câu chuyện của phụ huynh ở Trường THPT Ngô Quyền - Đông Anh, Hà Nội, Tiến sĩ Giáo dục học Nguyễn Thị Thu Huyền cho biết: "Khi đọc thông tin về vụ việc, tôi không thể đưa ra đúng sai trong quyết định của nhà trường vì còn có nhiều vấn đề cần làm rõ như tình huống, nội dung đối thoại diễn ra thế nào, liệu có sự đồng thuận chưa, nội dung giao tiếp phụ huynh có những phát biểu khiến nhà trường cảm thấy quá khó để đáp ứng không... Trường tư thục là đơn vị cung cấp dịch vụ dựa trên sự đồng thuận, tự nguyện đôi bên và liên quan đến tài chính nên hai bên đều có quyền. Nếu 2 bên không đồng tình, không thể tiếp tục thì nên trao đổi, thống nhất để dừng lại".
Theo LS Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật Kết nối, cho biết: "Việc khẳng định học sinh ngoan học, học tốt, không có lỗi nhưng vì "cảm thấy không đáp ứng được yêu cầu của phụ huynh" nên đã đơn phương đưa ra quyết định dừng đào tạo học sinh của Trường THPT Ngô Quyền – Đông Anh là quyết định trái pháp luật và không đúng tiêu chí của ngành giáo dục.
Thứ nhất, nhà trường chỉ có thể thực hiện giáo dục hoặc xử lý kỷ luật học sinh khi học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện. Vì vậy, việc nhà trường ra Quyết định dừng đào tạo với học sinh với lý do "nhà trường không đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu của phụ huynh học sinh" là hoàn toàn vô lý, không có căn cứ.
Thứ hai, nhà trường không có thẩm quyền dừng đào tạo đối với học sinh.
Căn cứ theo khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2022/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020, học sinh chỉ bị xử lý kỷ luật theo 3 hình thức, bao gồm:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GDĐT.
Như vậy, khi áp dụng hình thức kỷ luật đối với học sinh vi phạm mức cao nhất là "Tạm dừng học ở trường có thời hạn". Đồng nghĩa, dừng đào tạo đối với học sinh không phải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật được quy định, nhà trường không được dừng đào tạo với học sinh, buộc học sinh thôi học hay đuổi học đối với học sinh theo quy định pháp luật trên".
LS Hùng cũng khẳng định: "Dừng đào tạo đối với học sinh hay đuổi học/buộc thôi học đối với học sinh đều là hình thức kỷ luật nặng nề, cơ sở giáo dục sẽ không tiếp tục đào tạo học sinh và mọi quyền lợi của học sinh sẽ không còn tại cơ sở giáo dục đó. Chính nhà trường đang xâm phạm quyền học tập của công dân theo Điều 39 Hiếp pháp 2013.
Như vậy nhà trường đang sử dụng một thuật ngữ khác, khiến mọi người hiểu lầm đây không phải là Quyết định đuổi học. Đây là một lối ứng xử không đúng trong giáo dục, chính nhà trường đã đẩy học trò ra khỏi vòng tay người thầy, người cô".
Theo chuyên gia Đào Ngọc Cường: "Nhà trường, phụ huynh cần ngồi lại để trao đổi, hiểu và thống nhất quan điểm, bởi vì người ảnh hưởng tâm lý nhiều nhất trong câu chuyện này là em học sinh".