Vợ chồng nhạc sĩ Phạm Tuyên có hai người con gái, người con cả là Phạm Hồng Tuyền, người con út là Phạm Hồng Tuyến. Chị Phạm Hồng Tuyền là một nhà khoa học, từng đảm nhận vai trò Viện phó Viện Dầu khí Việt Nam. Chị Phạm Hồng Tuyến là nhà báo, từng đảm nhận vai trò Trưởng phòng Tương tác nội dung của VTV6 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Theo chị Phạm Hồng Tuyến, cách đây mấy hôm, nhạc sĩ Phạm Tuyên bị ngã tại nhà phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Việt Đức. Sau khi chụp chiếu kiểm tra, bác sĩ kết luận ông chỉ bị thương ở phần mềm nhưng phải khâu một số mũi ở trán. Ông phải mất 2 ngày nằm theo dõi ở bệnh viện mới được cho về nhà. Cú tai nạn khiến sức khỏe của nhạc sĩ Phạm Tuyến yếu hẳn.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên và PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết (Chủ nhiệm đầu tiên của khoa Giáo dục Mầm non, Đại học Sư phạm Hà Nội) quen biết từ những ngày được cử sang Trung Quốc học tập. Năm 1957, cả hai tổ chức đám cưới ấm cúng và giản dị tại Khu học xá Nam Ninh – Trung Quốc.
Sau khi nên vợ thành chồng, cả hai ở bên nhau hơn 50 năm. Bà là điểm tựa, là người đồng hành và chăm sóc cho ông về mọi mặt. Ông bà lo lắng cho nhau nên hai cô con gái yên tâm lắm. Nhưng không may, sau kỷ niệm đám cưới vàng khoảng 2 năm, PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết đã rời xa gia đình, để lại người chồng thân yêu của mình cùng các con.
Chị Phạm Hồng Tuyến cho biết, trước khi qua đời, suốt 30 năm, PGS.TS Nguyễn Ánh Tuyết phải chống chọi với bệnh tiểu đường, bệnh chảy máu dạ dày và nhiều bệnh nền khác. Người phụ nữ kiên cường không muốn chồng con phải bận tâm suy nghĩ nên rất lạc quan khi đối diện với bệnh tật.
"Thời điểm mẹ tôi qua đời, bố tôi hụt hẫng và đau đớn lắm. Lúc sinh thời, ông bà làm gì cũng có nhau. Lúc nào bố tôi đi công tác trong nước cũng có mẹ đi cùng. Sau này cuộc sống dư dả hơn, bố mẹ tôi còn rủ nhau đi du lịch nước ngoài. Họ luôn dành cho nhau những lời nói, cử chỉ nhẹ nhàng, tình cảm. Cả lúc lớn tuổi, họ vẫn gọi nhau bằng "anh - em". Mỗi lần có công việc bên ngoài, bố tôi không lê la, cà kê dông dài mà luôn tìm về để ăn cơm cùng mẹ.
Với bố, mẹ là nguồn tham khảo cực kỳ quan trọng. Khi cần làm việc gì lớn, ông đều hỏi xin ý kiến của bà. Có bài hát mới, bố luôn để mẹ là người thẩm định đầu tiên. Khi vợ viết xong luận án, cần người trang trí, ông sẵn sàng xắn tay giúp.
Mẹ tôi bị tiểu đường suốt 30 năm. Trước khi mất, mỗi năm, mẹ đều bị đau rất nặng phải đi viện. Mỗi lần như thế, bố tôi đứng ngồi không yên, luôn miệng hỏi: "Mẹ con bị bệnh thế này thì làm gì bây giờ?".
Sau khi mẹ mất, theo "nghị quyết" của gia đình là cô út được phân công về ở cùng bố tôi. May mắn, lúc đó còn có bác Tuyền, bác xốc vác, dám quyết và dám thay mặt bố tôi giải quyết rất nhiều việc của họ mạc. Tôi cứ thế răm rắp làm theo các việc chị giao mà không phải đứng mũi chịu sào gì cả.
Thế rồi sau sinh nhật tròn 59 tuổi bác Tuyền cũng lại chia tay bố và em gái rời xa cõi tạm. Lúc này ông ngoại chỉ còn mỗi cô con út là tôi bên mình. Tôi từ bé vốn dĩ đã lóng ngóng, vụng về, nay phải tự "chiến đấu", tự quyết, tự làm mọi việc. Nhiều lần cũng thấy trơ trọi, bấn loạn khi gặp phải các khó khăn, trở ngại. Bố tôi thì tuổi ngày một cao, sức ngày một yếu. Nhưng rồi tự nhủ việc đến đâu tìm cách giải quyết đến đó, đâu lại vào đấy.
Tuần trước, tôi có 2 đêm trắng với bố trong bệnh viện, cũng lo lo, may sao không có gì trầm trọng nữa. Rất may đồng hành cùng tôi còn có chị Bích Nụ, người chỉ mấy tháng nữa sẽ "kỷ niệm" 25 năm chăm sóc bố mẹ tôi", chị Phạm Hồng Tuyến tâm sự.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên luôn nhớ về người vợ quá cố
Nhạc sĩ Phạm Tuyên từng tâm sự với Dân Việt rằng: "Với tôi, bà nhà tôi là người tri kỷ, người bạn đời tận tụy. Bà ấy chăm sóc và hy sinh nhiều thứ để cho tôi được phát triển sự nghiệp. Vì thế, khi bà ấy mất đi, tôi rất hụt hẫng và đau buồn. Sức khỏe của tôi cũng yếu đi nhiều sau khi bà ấy qua đời.
Bà ấy hợp với tôi trên mọi phương diện. Quan trọng nhất là bà ấy luôn tôn trọng mọi ý thích của tôi và theo dõi sát sự nghiệp âm nhạc của tôi từ ngày hai người quen biết nhau. Bà ấy giỏi giang, đức độ nhưng luôn sẵn sàng hy sinh để tôi được phát triển.
Vợ tôi mất đã 7 năm rồi nhưng mỗi khi tôi giở sách ra như thấy bà ấy chuyện trò, như nghe từng hơi thở, bước chân vẫn còn ở đâu đây. Mỗi câu chuyện nho nhỏ chúng tôi nói cùng nhau từ năm nào đó, tôi cảm giác như bà ấy vẫn đang nói hàng ngày, từ chuyện bà ấy làm luận văn Tiến sĩ, tôi giúp bà ấy trình bày bản báo cáo như thế nào, cho tới những lần ai đó hỏi tôi về hoàn cảnh ra đời các ca khúc, tôi lại phải giở hồi ký của vợ ra vì trong sách có tất cả, từ ngày tháng, kỷ niệm đi theo.
Giữa tôi và vợ, ngoài duyên vợ chồng là tình cảm hết sức đặc biệt đến mức đọc hồi ký của bà ấy, bạn bè tôi ở Huế còn nhận định, đây là cuốn nhật ký song trùng".
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ thêm với Dân Việt rằng, đối với tôi, việc được con, cháu, chắt quan tâm chăm sóc là niềm may mắn trong những năm tháng cuối đời. Rất nhiều gia đình, con cháu một đằng, bố mẹ và ông bà một nẻo nhưng gia đình ông dù neo người nhưng vẫn luôn giữ được nếp nhà, luôn có sự gắn bó khăng khít.