Dân Việt

Quy định pháp lý vụ sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc

T. Nam - K. Trinh 18/08/2024 18:15 GMT+7
Theo luật sư, đối với hành sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn, sau khi có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng, các đối tượng có thể đối mặt khung hình phạt thấp nhất là hai năm tù, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Công an TP Thanh Hóa vừa triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên toàn quốc, bắt giữ 7 đối tượng.

7 đối tượng bị bắt giữ gồm: Nguyễn Văn Hưng (SN 1990, ngụ tỉnh Đắk Nông); Trương Quốc Phong Dinh (SN 1997) và em trai Trương Quốc Dũng (SN 1998, cùng ngụ TP Cần Thơ); Nguyễn Thị Kiều Trang (SN 1991, ngụ TP Hà Nội); Nguyễn Văn Tài (SN 1998, ngụ tỉnh Nam Định); Nguyễn Hoàng Chung (SN 2006, ngụ tỉnh Đắk Nông) và Ngô Tiến Thành (SN 1990, ngụ tỉnh Hà Nam).

Khám xét khẩn cấp 5 địa điểm là nơi sản xuất, nơi cất giấu hàng hóa, nơi làm việc của ổ nhóm này trên địa bàn TP Hà Nội, TP Cần Thơ và tỉnh Bến Tre, lực lượng công an thu giữ: 657 hộp thuốc Cefuroxim 500mg, 3.258 hộp thuốc Cefixim 200mg, 100 hộp thuốc Panadol Extra, 724 hộp thuốc Panactol dạng vỉ nén, 1.080 lọ thuốc Panactol.

Đồng thời, thu giữ nhiều nguyên liệu để sản xuất các loại thuốc kháng sinh giả, gồm: 2,2 tấn phụ gia, tá phẩm; 1.000 tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Cefuroxim, 10 vỏ thùng vỏ hộp Panactol cùng nhiều máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động sản xuất thuốc giả.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, lợi dụng thói quen của người dân là tự kê đơn mua các loại thuốc chữa bệnh và sơ hở trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh dược phẩm tại các quầy thuốc, nhà thuốc, Nguyễn Văn Hưng (là đối tượng cầm đầu) đã câu kết với Trương Quốc Phong Dinh thành lập Công ty TNHH dịch vụ y tế Tích Hợp, đăng ký trụ sở tại TP Bến Tre (tỉnh Bến Tre) để ngụy trang cho hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc tân dược giả.

Quy định pháp lý vụ sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc- Ảnh 1.

Đối tượng Nguyễn Văn Hưng (ngoài cùng bên trái) và các đối tượng trong đường dây sản xuất, mua bán thuốc tân dược giả vừa bị Công an TP Thanh Hóa triệt phá. Ảnh: Công an tỉnh Thanh Hóa.

Dưới vỏ bọc là nhân viên dược sĩ chuyên mua bán thuốc cho các công ty dược, Trương Quốc Phong Dinh đã thông qua các trang mạng xã hội zalo, facebook… để thu mua các loại thuốc ngoại nhập trôi nổi trên thị thường, sau đó dùng cồn hoặc hóa chất khác tẩy xóa phần chữ in trên vỉ thuốc, dùng máy in lại thông tin (tên, thành phần, hoạt chất) trên vỉ thuốc tạo thành loại thuốc mới.

Ngoài ra, Dinh còn thu mua thuốc tân dược sản xuất nội địa, có nguồn gốc xuất xứ, giá rẻ, sau đó ngâm vào nước để bong tróc tem nhãn gốc của nhà sản xuất dán trên ống thuốc, đặt in và dán tem nhãn giả thành thuốc ngoại nhập, đưa ra thị trường tiêu thụ với giá cao.

Hiện tại, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can nói trên về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh"

Liên quan đến vụ án trên, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức.

Các đối tượng có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn tính mạng, sức khỏe của người bệnh, bởi vậy người thực hiện hành vi này sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc, thích ứng với tội danh.

Quy định pháp lý vụ sản xuất, buôn bán thuốc tân dược giả quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc- Ảnh 2.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, tổ chức với quy mô lớn, hoạt động trên nhiều tỉnh thành đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người bệnh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo luật sư Cường, đây là vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng, tổ chức với quy mô lớn, hoạt động trên nhiều tỉnh thành đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của nhiều người bệnh, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bước đầu cơ quan điều tra đã xác định được một số đối tượng thực hiện hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh" theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Phía cơ quan điều tra sẽ tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

Quá trình điều tra vụ án này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ nguồn gốc của các nguyên liệu sử dụng để sản xuất thuốc giả, nơi sản xuất thuốc giả, quá trình thực hiện các thủ tục công bố sản phẩm và bán ra thị trường. Đồng thời, phía cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm trong công tác quản lý của các đơn vị có liên quan liên quan đến việc cấp phép, cấp giấy lưu hành các loại thuốc này.

Hoạt động điều tra này sẽ huy động một lực lượng nhân lực rất lớn nhằm làm rõ hành vi của các tổ chức cá nhân có liên quan trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh loại hàng hóa này để xem xét trách nhiệm pháp lý tương ứng.

Trường hợp có căn cứ cho thấy ngoài các bị can đã bị khởi tố thì còn có những người khác biết là sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh nhưng vẫn tiếp tay giúp sức để hưởng lợi thì sẽ xử lý những người này với vai trò đồng phạm.

Đối với những người làm công ăn lương, không nhận thức được đây là thuốc giả, không được ăn chia số tiền thu lợi bất chính mà chỉ được hưởng lương theo thỏa thuận thì sẽ không đề cập xử lý hình sự hoặc được miễn trách nhiệm hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ tiến hành làm rõ số tiền, tài sản sử dụng để thực hiện mục đích phạm tội và số tiền do phạm tội mà có để tiến hành niêm phong, kê biên, phong tỏa, áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo đúng quy định của pháp luật.

Quá trình xác minh, điều tra sẽ làm rõ số tiền thu lợi bất chính làm căn cứ để xác định tính chất nguy hiểm của hành vi, làm cơ sở áp dụng hình phạt. Trong trường hợp số tiền thu lợi bất chính từ 2.000.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng này sẽ phải chịu khung hình phạt cao nhất có mức hình phạt cao nhất là tử hình.

Cụ thể, tội danh và hình phạt của nhóm đối tượng trên sẽ được xử lí theo Điều 194 Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh của Bộ luật Hình sự như sau:

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Buôn bán qua biên giới; Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá 500.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng; Làm chết người; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình: Thu lợi bất chính 2.000.000.000 đồng trở lên; Làm chết 02 người trở lên; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 122% trở lên; Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, e, g, h, i và k khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 9.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, thì bị phạt tiền từ 15.000.000.000 đồng đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm; Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng

Như vậy, sau khi có kết luận chính thức từ phía cơ quan chức năng, các đối tượng có thể nhận mức hình phạt thấp nhất là hai năm tù, mức hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình.

Tội danh này còn xử lý đối với pháp nhân thương mại phạm tội, theo đó pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt đến 20.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 năm đến 03 năm, mức độ cao nhất là đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Cũng theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số lượng thuốc đã bán ra thị trường để tiến hành thu hồi và xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sẽ làm rõ công dụng, tác dụng của các loại thuốc này và khuyến cáo với người dân trong quá trình sử dụng để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do các sản phẩm này có thể gây ra.

Một điều cũng đáng chú ý là pháp luật quy định khái niệm hàng giả rất rộng, trong quá trình giải quyết vụ án này cơ quan tiến hành tố tụng cũng sẽ làm rõ yếu tố giả của các loại hàng hóa này như thế nào trên cơ sở các kết luận giám định về chất lượng, chủng loại, mẫu mã, nguồn gốc suất xứ, công dụng, tác dụng để đánh giá tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội, đồng thời cũng là căn cứ để chứng minh tội phạm theo quy định của pháp luật.

Thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt có tác động trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí tính mạng của người bệnh, bởi vậy nếu không quản lý tốt thì sẽ rất nguy hiểm cho xã hội, có thể gây thiệt hại đến tính mạng sức khỏe của bất kỳ ai khi dùng phải các loại thuốc không đảm bảo chất lượng. 

Trong những vụ án như thế này thì ngoài việc làm rõ hành vi phạm tội, làm rõ tính chất của hành vi phạm tội, nguyên nhân động cơ phạm tội thì cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước để thực hiện các giải pháp phòng ngừa tội phạm, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra.