Sáng 19/8, phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, phiên họp diễn ra từ ngày 19 đến 22/8 và xem xét, quyết định 12 nội dung quan trọng.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 4 dự luật gồm: Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Dự thảo Luật Phòng không nhân dân (đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7).
Trong 4 nội dung trên, có 3 dự án luật lần đầu cho ý kiến. Nếu được chuẩn bị tốt, có sự đồng thuận cao, hai dự án có thể thực hiện theo quy trình rút gọn theo trình tự một kỳ họp, trình thông qua tại Kỳ họp thứ 8 là Luật Điện lực và Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét, quyết định việc bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế và dự án Luật Phòng bệnh vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, khối lượng trình dự án luật tại Kỳ họp thứ 8 và thứ 9 rất lớn. Ngay thời điểm này, cần xem xét, tính toán bổ sung cho phù hợp.
Dự án đã bổ sung phải chuẩn bị rất kỹ, thẩm tra đúng quy trình, vấn đề nào đã chín, đã rõ thì đưa vào luật, vấn đề nào chưa chín, chưa rõ, chưa được thực tế kiểm nghiệm thì chưa đưa vào, không phải vì thời gian gấp mà bỏ qua các công đoạn, quy trình.
"Tới đây có 1 luật sửa nhiều luật. Vì sao luật ban hành mà còn chồng chéo, có vấn đề phải chỉnh sửa? Luật ban hành rồi thực hiện và có chỉnh sửa thì không nói, nhưng có những luật chưa thực hiện đã chỉnh sửa! Xem lại vấn đề xây dựng pháp luật có kẽ hở, công đoạn nào chưa được xem xét kỹ thì nghiêm túc rút kinh nghiệm", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu vấn đề và đề nghị lãnh đạo các bộ phải ngồi xem xét từng khoản, từng điều, từng chương chứ không thể ủy nhiệm cho một bộ phận, một vụ hay một thứ trưởng nào đó.
"Còn 3 kỳ họp Quốc hội, chúng ta phải làm thật kỹ, thật chắc. Luật nào ra đời thì đảm bảo chất lượng và tuổi thọ phải cao", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh thêm.
Về công tác giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành 1,5 ngày để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH về việc thực hiện nghị quyết chuyên đề chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2023 liên quan 9 lĩnh vực.
Nhóm lĩnh vực thứ nhất là kinh tế - xã hội, do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành. Các bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn ở nhóm này gồm: Bộ trưởng Công Thương; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhóm vấn đề nội chính do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành, liên quan 6 lĩnh vực: Tư pháp; nội vụ; an ninh trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; viện kiểm sát.
"Có những bộ trưởng, trưởng ngành nói sao ngành tôi được chất vấn nhiều lần như thế? Tôi cho rằng chất vấn nhiều thì cử tri, nhân dân và ĐBQH sẽ hiểu rõ ngành mình hơn để biết mặt nào làm được, mặt nào chưa làm được thì rút kinh nghiệm", ông Trần Thanh Mẫn cho hay.
Chủ tịch Quốc hội cũng khẳng định, việc chất vấn 9 lĩnh vực lần này sẽ không trùng lặp với những nội dung đã chất vấn trước. Nếu có vấn đề ngoài nội dung gợi ý thì chủ tọa điều hành có thể đề nghị đại biểu không chất vấn hoặc cơ quan có thể trả lời bằng văn bản.