Chất vấn bộ trưởng nhiều vấn đề "nóng" tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 07/08/2024 06:22 AM (GMT+7)
Trong Phiên họp thứ 36 sắp diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các lĩnh vực: Công thương, tư pháp, nội vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn...
Bình luận 0

Chiều 6/8, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp để rà soát công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chất vấn bộ trưởng nhiều vấn đề "nóng" tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội- Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quốc hội

Hai nhóm lĩnh vực chất vấn

Theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1,5 ngày tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.

Báo cáo tại cuộc họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn dự kiến vào ngày 21-22/8, với nội dung chất vấn tập trung vào 2 nhóm lĩnh vực.

Nhóm lĩnh vực thứ nhất, gồm: Nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch. Thời lượng chất vấn với nhóm này khoảng 190 phút.

Nhóm lĩnh vực thứ hai gồm: Tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát, với thời lượng khoảng 250 phút.

Về cách thức chất vấn, chủ tọa sẽ mời từ 3 - 5 đại biểu đặt câu hỏi, đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn không quá một phút, người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/câu hỏi, tranh luận không quá 2 phút cho mỗi lượt chất vấn.

Chất vấn bộ trưởng nhiều vấn đề "nóng" tại Phiên họp thứ 36 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội- Ảnh 2.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: Quốc hội

Trường hợp đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi không thuộc nhóm vấn đề chất vấn hoặc yêu cầu bộ trưởng, trưởng ngành đánh giá, cung cấp số liệu có yếu tố nhạy cảm, bộ trưởng, trưởng ngành có thể xin phép đại biểu Quốc hội để trả lời bằng văn bản sau phiên chất vấn.

Các bộ trưởng, trưởng ngành trả lời thẳng, gọn, rõ

Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu chuẩn bị kỹ từ sớm, từ xa, để phiên chất vấn và trả lời chất vấn đạt yêu cầu, kế hoạch đề ra. Ông Mẫn nhấn mạnh, chất vấn và trả lời chất vấn luôn là hoạt động giám sát được cử tri, nhân dân, các đại biểu Quốc hội và báo chí quan tâm, theo dõi.

Chủ tịch Quốc hội đồng tình với các ý kiến đề nghị không chia thời gian trả lời cụ thể cho từng bộ trưởng, trưởng ngành, để giảm áp lực cho người trả lời chất vấn, cũng như bảo đảm bám sát thực tế từng nội dung vấn đề đại biểu đặt ra.

Việc cải tiến theo hướng này sẽ vất vả hơn cho công tác điều hành, nhưng bảo đảm tính linh hoạt, phù hợp với diễn biến thực tế của từng phiên chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí với đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung chất vấn đúng phạm vi lĩnh vực được chọn, bảo đảm đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng thời gian hỏi không quá 1 phút và chỉ hỏi một vấn đề.

Khi chất vấn, các đại biểu Quốc hội cần tránh đi vào những vấn đề, vụ việc cụ thể.

Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của hoạt động chất vấn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri và nhân dân sẽ đánh giá năng lực của các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành.

Ông đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục phát huy kinh nghiệm trả lời tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước đó, có phương pháp, cách thức, nội dung trả lời đáp ứng được yêu cầu của các đại biểu Quốc hội và cử tri, nhân dân.

Về các tài liệu phục vụ phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành có báo cáo bổ sung những nội dung còn thiếu mà Tổng Thư ký Quốc hội đã chỉ ra để cung cấp đến các đại biểu Quốc hội, chậm nhất là ngày 16/8 tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem