Sáng 21/8, chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thẳng thắn chỉ ra, phát triển du lịch đêm trên thực tế còn nghèo nàn, hoạt động nghệ thuật đêm có đêm không, chủ yếu cuối tuần...
Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để kích cầu, phát triển du lịch đêm, tăng cường các hoạt động giải trí lành mạnh, giữ chân du khách qua đêm, tạo nguồn thu cho các địa phương.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm, trên cơ sở khuyến khích các địa phương nghiên cứu, tính toán các dòng sản phẩm, đánh giá nhu cầu của khách du lịch để xây dựng phù hợp.
"Tôi đã nói, có nhiều địa phương không làm thì thiếu, mà làm thì thừa, làm thì du khách không đến. Nhưng trách nhiệm chính là Chủ tịch UBND các tỉnh, HĐND các tỉnh chứ không phải Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch", ông Hùng nói và nêu rõ, "Bộ không thể làm sản phẩm du lịch cho TP nào được", mà bộ chỉ gợi ý cho các địa phương.
Ông lấy ví dụ với TP.HCM, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã gợi ý phát triển du lịch đêm dựa trên tài nguyên sông nước, dòng sản phẩm chủ lưu là kết nối sông Sài Gòn và thương cảng.
Trên cơ sở đó, TP.HCM làm tuyến phố đi bộ, kết nối các sản phẩm trên dòng sông, tạo ra địa điểm cho du khách đến. Do đó, mỗi địa phương buộc phải có suy nghĩ, có cách làm sáng tạo, tạo ra sản phẩm độc đáo, chuyên nghiệp, đặc sắc mang tính cạnh tranh cao.
"Hỏi bộ trưởng về làm du lịch đêm thì chúng tôi có đề án, có khung rồi, gợi ý cách làm rồi, còn chúng tôi không làm thay cho địa phương được", Tư lệnh ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch nhấn mạnh.
Chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Dương Minh Ánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, bày tỏ lo ngại về tình trạng đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật hiện nay.
Bà cho biết quy mô đào tạo đang bị thu hẹp, chất lượng giảm sút đáng kể. Nhiều ngành nghệ thuật gặp khó khăn trong tuyển sinh. Cơ sở vật chất và chế độ đãi ngộ, đặc biệt là các trường ngoài công lập, còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo.
"Với vai trò là người đứng đầu ngành, Bộ trưởng có thể cho biết những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này và giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước?", bà Ánh đặt câu hỏi.
Nữ đại biểu cũng cũng đề nghị Bộ trưởng làm rõ việc có hay không sự phân biệt đối xử giữa học viên ngành nghệ thuật tại trường của Bộ với trường của địa phương, khi chỉ học sinh học các trường trung ương mới được hưởng các cơ chế ưu đãi.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, cơ quan quản lý nhà nước đã nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, nếu không có các giải pháp quyết liệt thì có thể có một số bộ môn nghệ thuật truyền thống sẽ "khép lại".
"Phải có nhu cầu thực tế thì cơ sở đào tạo mới tuyển sinh được, nhưng hiện nay các trường đều không có đủ đầu vào", ông Hùng nói.
Ông cho biết Bộ đang nghiên cứu, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng, năng khiếu học sinh, sinh viên ngành nghệ thuật để điều chỉnh chính sách phù hợp. Chính phủ cũng ban hành nhiều quy định khuyến khích như miễn giảm học phí, chế độ ưu đãi với người học nghệ thuật truyền thống.
Tuy nhiên ông cho biết Bộ chưa nhận được thông tin từ các địa phương về những học viên mong muốn được hỗ trợ. Nếu có, Bộ sẽ phối hợp Bộ Tài chính xử lý ngay nếu quyền lợi người học không được đảm bảo.
Còn về giải pháp lâu dài, căn cơ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng cần phải có nhiều giải pháp để người dân yêu văn hóa Việt Nam, coi nghệ thuật truyền thống văn hóa Việt Nam là hồn cốt cần phải giữ, lưu truyền.
"Chỉ khi yêu thích đam mê, thì tỷ lệ người học nghệ thuật truyền thống mới tăng lên. Điều này cần làm lâu dài, từ từ chứ không thể ngày một ngày hai", ông Hùng nói.