Dân Việt

Cà Mau: Một phiên đấu giá tài sản nhưng có đến hai biên bản với nội dung khác nhau

Hoàng Hạnh 24/08/2024 12:32 GMT+7
Cùng một phiên đấu giá bán tài sản của công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch không nung ở Cà Mau, song lại có đến hai biên bản thể hiện hai nội dung khác nhau.

Ông Thái Bách Thắng – Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng – Thương mại Thái Dương (gọi tắt là Công ty Thái Dương – PV) cho biết, đã gửi đơn đến nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Cà Mau, và Bộ Tư pháp tố cáo Chấp hành viên (thuộc Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Cà Mau) và đấu giá viên (thuộc Công ty đấu giá Hợp danh Thanh Bình - gọi tắt là công ty đấu giá Thanh Bình – PV) có dấu hiệu sai phạm trong thủ tục hạ giá tài sản và bán đấu giá.

Biên bản đấu giá bị sửa đổi nội dung

Theo hồ sơ vụ việc: ông Thái Bách Thắng vay vốn của một ngân hàng có Chi nhánh tại Cà Mau một khoản phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Song, do làm ăn thua lỗ nên ngân hàng kiện Công ty Thái Dương ra tòa để thu hồi nợ.

Ngày 13/11/2020, TAND tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm vụ kiện. Tại bản án số 10/2020/KDTM – PT, HĐXX tuyên buộc Công ty Thái Dương có trách nhiệm thanh toán cho ngân hàng số tiền đã vay.

Cà Mau: Một phiên đấu giá tài sản nhưng có đến hai biên bản với nội dung khác nhau- Ảnh 1.

Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Cà Mau có hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 03/HĐDV/2022 ngày 15/7/2022 và phụ lục hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 42/PLHĐ/2024 ngày 27/5/2024 với Công ty đấu giá Thanh Bình để tiến hành bán đấu giá tài sản của Công ty Thái Dương. Ảnh: An An

"Tôi thống nhất với bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Cà Mau. Song quá trình cơ quan chức năng tiến hành bán đấu giá tài sản của công ty tôi để thực hiện bản án thì có điều bất thường", ông Thắng nói.

Sau khi bản án có hiệu lực, nhiều tài sản của Công ty Thái Dương bị kê biên để tiến hành bán đấu giá. 

Theo đó, Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Cà Mau có hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 03/HĐDV/2022 ngày 15/7/2022, và phụ lục hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản số 42/PLHĐ/2024 ngày 27/5/2024 với Công ty đấu giá Thanh Bình để tiến hành bán đấu giá tài sản của Công ty Thái Dương.

Thế nhưng, điều bất thường là cùng một phiên đấu giá tài sản (cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm) tại Công ty đấu giá Thanh Bình (diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 13/6/2024 - PV), nhưng có hai nội dung khác nhau.

Cụ thể, có 2 đơn vị tham gia đấu giá gồm: Ông Nguyễn Phi Phi – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh bất động sản Phú Thịnh (gọi tắt là Công ty Phú Thịnh – PV), địa chỉ tại tỉnh Bình Thuận và ông Nguyễn Văn Linh – Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Hồng Cẩm (gọi tắt là Công ty Hồng Cẩm – PV), địa chỉ tại tỉnh Cà Mau. Tổng giá khởi điểm của tài sản đấu giá là hơn 9,6 tỷ đồng.

Thành phần có mặt tham gia trong cả hai biên bản thể hiện có: ông Nguyễn Quốc Trung – Chấp hành viên (thuộc Chi cục Thi hành án Dân sự TP.Cà Mau); ông Nguyễn Thanh Bình – Đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá; bà Lê Mỹ Nhân – người ghi biên bản cuộc đấu giá.

Người tham gia đấu giá có ông Nguyễn Phi Phi – Tổng Giám đốc Công ty Phú Thịnh và ông Nguyễn Văn Linh – Giám đốc Công ty Hồng Cẩm.

Kết quả cuộc đấu giá, ông Nguyễn Phi Phi – Tổng Giám đốc Công ty Phú Thịnh là người trả giá cao nhất, với mức giá đã trả trên 9,7 tỷ đồng. Cuộc đấu giá kết thúc vào lúc 9 giờ 30 cùng ngày, biên bản có thông qua tại cuộc đấu giá cho các bên cùng nghe và thống nhất cùng ký tên vào biên bản…

Cà Mau: Một phiên đấu giá tài sản nhưng có đến hai biên bản với nội dung khác nhau- Ảnh 2.

Điều "bất thường" của phiên đấu giá do Công ty đấu giá Thanh Bình thực hiện là cùng phiên đấu giá tài sản, nhưng có 2 biên bản với nội dung khác nhau - trong ảnh: Biên bản đấu giá thứ nhất (ảnh trái, phần bôi đậm) và biên bản đấu giá thứ hai (ảnh phải) có nội dung khác nhau. Ảnh: An An

Ngoài các nội dung giống nhau giữa 2 biên bản đấu giá tài sản nói trên, còn có các điểm khác nhau bất thường. 

Cụ thể, tại biên bản đấu giá tài sản thứ nhất (trang 2) có nội dung: "Sau khi nghe đấu giá viên thông qua quy chế cuộc đấu giá, cả 2 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá có ý kiến đều thống nhất là sau khi trúng đấu giá được bàn giao tài sản sẽ tháo dỡ di dời toàn bộ tài sản đi nơi khác, không đặt vấn đề về việc thuê đất sử dụng tiếp do không có nhu cầu sử dụng".

Thế nhưng, cũng tại trang 2 của biên bản đấu giá thứ 2 lại thể hiện nội dung: "Sau khi nghe đấu giá viên thông qua quy chế cuộc đấu giá, cả 2 khách hàng đăng ký tham gia đấu giá có ý kiến đều thống nhất nếu công ty không được cơ quan có thẩm quyền tiếp tục cho thuê đất, sẽ tự tháo dỡ di dời toàn bộ tài sản đi nơi khác".

Nói về việc có hai biên bản đấu giá với nội dung khác nhau, ông Thái Bách Thắng cho rằng, nội dung trong biên bản đấu giá thứ hai đã được sửa đổi. 

"Tôi là người được Nhà nước cho thuê đất với thời hạn 49 năm, phiên đấu giá này chỉ là đấu giá bán tài sản của công ty tôi bao gồm công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền trên đất…, không phải đấu giá quyền sử dụng đất của tôi. Do đó, việc sửa đổi nội dung trong biên bản đấu giá thứ hai là có lợi cho bên trúng đấu giá", ông Thắng nói trong bức xúc.

Ngoài ra, điều bất thường nữa là khi ký vào cả hai biên bản, người tham gia đấu giá là ông Nguyễn Văn Linh – Giám đốc Công ty Hồng Cẩm và người trúng đấu giá là ông Nguyễn Phi Phi – Tổng Giám đốc Công ty Phú Thịnh không ký tên. Người ký lại là 2 người khác gồm ông Lê Hậu và ông Lê Hoàng Quý.

"Ông Lê Hậu và ông Lê Hoàng Quý là hai người không có tên trong thành phần tham gia đấu giá mà lại ký tên vào biên bản", ông Thắng nói.

Ngoài ra, trong đơn gửi các cơ quan chức năng, ông Thắng còn tố cáo ông N.Q.T – Chấp hành viên (thuộc Chi cục thi hành án Dân sự TP.Cà Mau) thực hiện không đúng quy định.

"Quyết định giảm giá tài sản lần thứ 21 (Quyết định số 89/QĐ-CCTHA ngày 27/5/2024), tôi là người phải thi hành án và ngân hàng là người được thi hành án nhưng không được mời", ông Thắng.

Người trong cuộc nói gì ?

Liên quan đến đơn tố cáo của ông Thắng, phóng viên Dân Việt đã trao đổi trực tiếp với một lãnh đạo Chi cục thi hành án Dân sự TP.Cà Mau để nắm thông tin. 

Vị này cho biết chấp hành viên ký vào biên bản đấu giá với tư cách là người có tài sản đã được ủy quyền cho bên bán đấu giá bán. Còn đơn vị bán đấu giá thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của Luật đấu giá.

Cà Mau: Một phiên đấu giá tài sản nhưng có đến hai biên bản với nội dung khác nhau- Ảnh 3.

Các tài sản khác của Công ty Thái Dương cũng được kê biên để bán đấu giá. Ảnh: An An

"Biên bản là do đơn vị đấu giá lập, không phải do chấp hành viên lập vì đã ủy quyền cho bên đấu giá làm, nếu làm có vi phạm thì phải chịu", vị lãnh đạo này nói.

Riêng về việc ông Thắng tố cáo chấp hành viên của Chi cục thi hành án Dân sự TP.Cà Mau có sai phạm, lãnh đạo đơn vị này cho biết đang thụ lý đơn tố cáo để giải quyết, nên không thể cung cấp cho báo chí.

Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Bình – Đấu giá viên nói rằng biên bản có nội dung khác nhau vì trong quá trình làm có đánh máy, hoặc sơ suất thiếu từ ngữ, do đó khi có sự trao đổi, thống nhất giữa công ty với bên thi hành án mới có sự điều chỉnh lại nội dung biên bản cho phù hợp với cuộc đấu giá, hoàn toàn không có vấn đề gì mờ ám, phức tạp. 

"Việc điều chỉnh này có sự thống nhất giữa các bên, chớ công ty không thể tự làm được", ông Bình nói.

Nhìn nhận về góc độ pháp lý của vụ việc luật sư Nguyễn Thành Vĩnh Thy – Văn phòng Luật sư Nguyễn Thy – HG (Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang) cho biết: Luật Đấu giá tài sản 2016, Điều 72 quy định các trường hợp hủy kết quả đấu giá tài sản khi có căn cứ xác định rằng việc tổ chức đấu giá có vi phạm pháp luật.

Các vi phạm có thể bao gồm: Thông đồng, gian lận trong quá trình đấu giá; không tuân thủ đúng quy trình, thủ tục tổ chức đấu giá theo quy định của pháp luật. Người không có thẩm quyền ký vào biên bản đấu giá hoặc người không tham gia đấu giá ký vào biên bản, làm ảnh hưởng đến tính hợp lệ của cuộc đấu giá…

Hay trường hợp biên bản đấu giá không hợp lệ được quy định tại Luật Đấu giá tài sản 2016, Điều 48 quy định: Kết quả đấu giá có thể bị hủy nếu biên bản đấu giá không đảm bảo tính hợp lệ, chẳng hạn như: Không có đầy đủ chữ ký của những người có liên quan (người điều hành phiên đấu giá, người tham gia đấu giá; biên bản bị sửa chữa, thêm bớt nội dung sau khi đã lập xong. Hoặc người không có thẩm quyền hoặc người không tham gia đấu giá ký vào biên bản đấu giá).