Clip: "cầm tay chỉ việc" giúp hội viên nông dân nắm chắc kỹ năng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Về với Yên Châu (Sơn La), vùng đất được mệnh danh "chuối ngọt, xoài thơm", nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác cây ăn quả, hội viên nông dân nơi đây đã có thu nhập ổn định. Để có được những kết quả đó là nhờ những cách làm sáng tạo của các cấp Hội Nông dân, thông qua các lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo và hướng dẫn trực tiếp cho hội viên nông dân theo cách "cầm tay chỉ việc" về các kỹ năng chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng.
Được giới thiệu từ Hội Nông dân huyện Yên Châu, chúng tôi tìm đến HTX Phương Nam, bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng (Yên Châu, Sơn La). Đây là một trong những HTX có diện tích cây ăn lớn nhất vùng này. Từ việc áp dụng các tiến bộ khoa học vào việc trồng, cắt ghép, chăm sóc vườn cây ăn quả; chất lượng và sản lượng cây ăn quả của HTX luôn đạt ở mức cao, được thị trường đón nhận. Đặc biệt, sản phẩm quả nhãn tươi của HTX đã được xuất khẩu sang nước ngoài.
Những vườn cây ăn quả của HTX Phương Nam đa số nằm ở sườn đồi đất dốc, khó khăn cho việc canh tác cũng như tưới ẩm. Thế nhưng vườn nào cây nào cũng xanh tốt, không có dấu hiệu của việc thiếu nước, thiếu chất dinh dưỡng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam cho hay: Trong quá trình sản xuất, chúng tôi được cán bộ các phòng chuyên môn và Hội Nông dân hướng dẫn tận dụng các loại động vật, sinh vật có lợi để phòng sâu bệnh theo phương pháp thiên địch, kết hợp với các loại thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, phân bón hữu cơ. Nhờ vậy, vườn cây ăn quả của HTX đạt chất lượng và năng suất cao.
"Hiện HTX có 100 ha cây ăn quả, trong đó hơn 80 ha nhãn được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Sản phẩm nhãn của HTX đã xuất khẩu sang thị trường Úc, Singapore, Trung Quốc. Vụ nhãn năm nay, các thành viên HTX đã chủ động đưa ra phương án sản xuất phù hợp, nhằm cung cấp ra thị trường sản phẩm nhãn an toàn, chất lượng và gắn với nhu cầu của thị trường", ông Kiên nói.
Còn đối với gia đình anh Lò Văn Lếch, bản Mòn, xã Cò Nòi (Mai Sơn, Sơn La,) trồng 3ha cây ăn quả như: xoài, nhãn, dâu tây. Khi được tham gia lớp tập huấn về trồng và phát triển cây ăn quả do Hội Nông dân tổ chức, anh đã nắm bắt được nhiều kiến thức sản xuất để áp dụng vào vườn cây của gia đình. Anh Lếch tích cực thực hiện việc đốn tỉa, trẻ hóa cho cây sau mỗi vụ thu hoạch và sử dụng các loại phân hữu cơ, tích cực vệ sinh đất, vì vậy cây sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Ông Bạc Cầm Khuyên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, cho biết: Sơn La được biết đến là vùng cây ăn quả lớn của các tỉnh phía Bắc, với trên 84.000 ha, sản lượng khoảng 455.000 tấn/năm. Trong xu thế sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, sản xuất sản phẩm sạch, an toàn đang phát triển, cùng với việc sử dụng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học trong sản xuất nông nghiệp, hội viên nông dân cần có thêm kiến thức phòng trừ sâu bệnh bằng những phương pháp mới vừa hiệu quả vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Do đó, Hội Nông dân tỉnh Sơn La chỉ đạo các cấp hội thường xuyên cung cấp, cập nhật cho hội viên kiến thức phòng trừ sâu bệnh, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của người nông dân cũng như người tiêu dùng.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, hiện nay, toàn tỉnh có trên 170.000 hội viên nông dân đang sản xuất khoảng 1 triệu héc ta đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, trên 84.000 ha cây ăn quả, còn lại là cây lương thực và cây trồng khác. Thời điểm tháng 6-7, thời tiết nắng nóng, kèm theo mưa giông kéo dài, là điều kiện thuận lợi cho nhiều loại sâu bệnh hại cây trồng phát triển.
Từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh Sơn La đã phối hợp mở 4 lớp tập huấn cho hàng trăm hội viên về phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng theo từng thời điểm của vụ sản xuất. Trong đó, tập trung hướng dẫn làm sạch đất bằng vôi bột để tiêu diệt mầm bệnh và nơi trú ẩn của sâu bệnh; sử dụng phân bón hợp lý theo từng thời kỳ phát triển, tăng sức đề kháng cho cây; gieo trồng đúng khung thời vụ; luân canh các loại cây trồng theo mùa, giảm sự thích nghi của sâu bệnh hại.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân các cấp đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương vận động nhân dân sản xuất theo hướng hữu cơ, ưu tiên sử dụng các giống cây trồng có khả năng kháng sâu bệnh, kết hợp với các loại chế phẩm sinh học trong sản xuất.
Việc quan tâm hướng dẫn hội viên nông dân chủ động phòng, trừ sâu bệnh hại cây trồng bằng các biện pháp sinh học, từng bước thay đổi phương thức canh tác của người dân, chuyển dần sang hướng hữu cơ, góp phần xây dựng vùng sản xuất sạch, an toàn.