Dân Việt

Sinh viên quan tâm lĩnh vực này để có mức lương tối thiểu 20 triệu đồng/tháng?

Trung Hiếu 24/08/2024 07:04 GMT+7
Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN) với chủ đề "Mở khóa sức mạnh trí tuệ nhân tạo tạo sinh" thu hút nhiều sinh viên tham gia. Không ít bạn trẻ thổ lộ mong muốn tìm kiếm việc làm ứng dụng trí tuệ nhân tạo sau khi ra trường với mức lương tối thiểu là 20 triệu đồng/tháng.

AI tác động đến cơ hội nghề nghiệp của con người như thế nào? Clip: Trung Hiếu

Tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với cơ hội nghề nghiệp

Ngày 23/8, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã diễn ra Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2024 (AI4VN). Bất chấp cơn mưa vào đầu giờ sáng, nhiều bạn trẻ quan tâm đã có mặt tại sự kiện từ sớm để tham quan, trải nghiệm. Hơn 20 gian hàng tại khu triển lãm giới thiệu các công nghệ ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường... được chuẩn bị kỹ lưỡng trước giờ đón khách.

Cơ hội nghề nghiệp của con người ảnh hưởng ra sao khi có AI? - Ảnh 1.

Trời mưa nhưng nhiều người đã có mặt tại sự kiện từ sớm để tham quan. Ảnh: Trung Hiếu.

7 giờ 30 phút sáng, ông Cao Xuân Hoài Vương - Chủ tịch Công ty Cổ phần AIVA Group đã có mặt tại gian hàng của mình để chuẩn bị. Gương mặt rạng rỡ, ông Vương hào hứng chia sẻ: “Hiện nay, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rất sâu rộng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Trong sự kiện ngày hôm nay, tôi sẽ chia sẻ một chủ đề liên quan đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh trong marketing và bán hàng”.

Ông Vương tiếp lời: “Tôi cho rằng, trí tuệ nhân tạo không cướp đi công việc của con người, nhưng người biết sử dụng trí tuệ tạo sẽ lấy đi cơ hội việc làm của những người khác. Do đó, trong thời gian qua, chúng tôi đã đào tạo hơn 60.000 người lao động về AI và giúp hơn 5.000 chủ doanh nghiệp ứng dụng AI để tăng cái hiệu quả làm việc cũng như là tăng năng suất kinh doanh, lao động”.

Cơ hội nghề nghiệp của con người ảnh hưởng ra sao khi có AI? - Ảnh 2.

Ông Vương (ngoài cùng bên phải) cho rằng, trí tuệ nhân tạo đang được ứng dụng rất sâu rộng trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Ảnh: Trung Hiếu.

Theo ông Vương, thời điểm hiện tại, số lượng người lao động sử dụng thành thạo trí tuệ nhân tạo là rất ít. Do đó hầu hết doanh nghiệp đều chấp nhận là phải đào tạo lại cho những người lao động mới. “Tôi nghĩ rằng trong kỷ nguyên này, mọi lao động đều phải sẵn sàng trang bị cho mình một kỹ năng, đó là kỹ năng sử dụng ít nhất từ 1 đến 2 công cụ AI trong công việc của họ. Nếu không làm được điều đó, họ sẽ có nguy cơ phải nhường mất cơ hội cho những người biết sử dụng AI một cách thành thạo hơn”.

Còn ông Đinh Ngọc Minh - Phó khoa Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật, trường Đại học RMIT Việt Nam cho biết, xét ở mặt tích cực, AI như một công cụ để người lao động làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, AI cũng có thể làm cho lực lượng lao động bị tinh giản.

Cơ hội nghề nghiệp của con người ảnh hưởng ra sao khi có AI? - Ảnh 3.

Hơn 20 gian hàng tại khu triển lãm giới thiệu các công nghệ ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, môi trường... thu hút nhiều người tham quan. Ảnh: Trung Hiếu.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Minh chia sẻ, tại trường Đại học nơi ông công tác, có hai ngành học trực tiếp liên quan đến AI. "Đầu tiên là chương trình cử nhân về IT, thứ hai là chương trình cử nhân về kỹ thuật phần mềm. Đây là những ngành học thu hút rất nhiều bạn trẻ đăng ký và hiện tổng số lượng sinh viên của hai chương trình học này lên tới hơn 1.000 người".

Ông Minh nhận định: "Tôi cho rằng, các bạn trẻ cần phải có định hướng rõ ràng trong việc học AI để tạo ra sự khác biệt trong công việc mà các bạn chọn, chứ không nên coi đó là một xu hướng để đăng ký theo trào lưu. Khả năng tư duy cao, đam mê việc học liên tục, có tính sáng tạo và kết nối... đây là những tố chất quan trọng nhất mà người học về AI cần có".

Sinh viên mong muốn tìm kiếm việc làm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng

Có mặt từ sớm, anh Lưu Quang Tuấn (20 tuổi) - sinh viên trường Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bản thân anh đã rất háo hức tới dự sự kiện ngay từ khi có thông báo tổ chức. “Theo mình, việc tham gia các sự kiện tương tự như ngày hôm nay sẽ giúp mình biết được nhiều công nghệ mới hơn so với việc tự tìm hiểu. Nếu tự mày mò thì bản thân mình sẽ khó có thể biết được những từ khóa liên quan đến AI hoặc là các công nghệ mới mà nhiều doanh nghiệp áp dụng nhưng chưa công khai trên thị trường”.

Chàng trai 20 tuổi say sưa kể về những sản phẩm khiến anh ấn tượng nhất trong sự kiện: “Hôm nay, mình cảm thấy rất thích thú với ứng dụng mô phỏng hình ảnh từ 2D lên 3D và dự đoán ảnh tương lai cho thai nhi sau khi em bé được khoảng 4 - 5 tháng. Bản thân mình cũng đang trong quá trình làm một số sản phẩm có ứng dụng AI, ví dụ như LED bật tắt tự động, hoặc là những chiếc camera theo dõi, phát hiện vật thể lạ… Do đó, buổi hôm nay đi trải nghiệm cũng cho mình thêm những ý tưởng thú vị để áp dụng vào các sản phẩm của mình”.

Cơ hội nghề nghiệp của con người ảnh hưởng ra sao khi có AI? - Ảnh 4.

Theo anh Tuấn, sản phẩm khiến anh ấn tượng nhất trong sự kiện là ứng dụng mô phỏng hình ảnh từ 2D lên 3D và dự đoán ảnh tương lai cho thai nhi. Ảnh: Trung Hiếu.

Tương tự anh Tuấn, anh Nguyễn Đức Trung (21 tuổi), sinh viên năm 3 chuyên ngành Tự động hóa cho hay: “Mình tới đây trải nghiệm vì chủ đề của sự kiện liên quan trực tiếp tới ngành học của mình. Mình thực sự mong muốn sau khi ra trường có thể làm ở các vị trí như quản lý hoặc điều khiển hệ thống tự động hóa trong sản xuất công nghiệp, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo”.

Vừa tham quan các gian hàng, chàng trai 21 tuổi vừa thẳng thắn chia sẻ: “Ngoài niềm đam mê, mình lựa chọn ngành học này vì có thể tìm kiếm các cơ hội việc làm đem lại nguồn thu nhập cao trong tương lai. Mức lương mà mình mong muốn nhận được sau khi ra trường dao động từ 20 đến 25 triệu đồng/tháng”.

Cơ hội nghề nghiệp của con người ảnh hưởng ra sao khi có AI? - Ảnh 5.

Anh Tuấn (giữa) và anh Trung (ngoài cùng bên phải) tham quan các gian hàng. Ảnh: Trung Hiếu.

Ông Đinh Ngọc Minh - Phó khoa Khoa học Công nghệ và Kỹ thuật, trường Đại học RMIT Việt Nam nhận định: “Vì có tác động rộng khắp tới nhiều ngành nghề, đặc biệt là những ngành nghề liên quan đến dữ liệu, nên tôi cho rằng, các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều cơ hội để học thêm về AI. Ngay cả những người làm về giáo dục, tài chính, ngân hàng... cũng có thể ứng dụng được trí tuệ nhân tạo để tăng hiệu suất công việc”.

Cũng tại sự kiện, ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẳng định: “Trí tuệ nhân tạo đang phát triển vượt bậc và cho thấy tiềm năng ứng dụng rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội cũng như giải quyết các thách thức của xã hội”.

Ông Duy cũng bày tỏ mong muốn: “Thông qua sự kiện, chúng ta có cơ hội lắng nghe, thảo luận, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, đưa ra các sáng kiến, giải pháp, kiến nghị để thúc đẩy sự phát triển của trí tuệ nhân tạo... góp phần phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo bền vững tại Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khu vực ASEAN và trên thế giới”.