Nuôi cá cảnh được, trồng mai vàng ở xã Bình Lợi và nghề chế biến thủy sản ở Cần Giờ được Sở NNPTNT TP.HCM xếp vào danh mục những ngành nghề nông thôn mới đem lại giá trị kinh tế cao.
Nửa đầu năm 2024, sản lượng cá cảnh của TP.HCM đạt 44,7 triệu con (tăng 5,4% so cùng kỳ), xuất khẩu đạt 6 triệu con (tăng 17,9% so cùng kỳ) và kim ngạch xuất khẩu đạt 6,06 triệu USD (tăng 16,1% so cùng kỳ).
Hiện nay, tổng diện tích sản xuất, nuôi cá cảnh trên toàn thành phố hiện đạt khoảng 90ha với hơn 300 cơ sở/hộ nuôi, tập trung ở một số quận huyện như Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, TP.Thủ Đức.
Trong đó có các hình thức như nuôi trong hồ kính, nuôi hồ xi măng lót bạt, nuôi ao, nuôi trong keo, hũ, bình, thau, chậu, thùng xốp… Các loài cá cảnh được nuôi chủ yếu như: cá chép Koi, cá dĩa, cá xiêm, cá ba đuôi, cá bảy màu, cá hồng kim, cá bạch kim…
Tại huyện Cần Giờ có nhiều mặt hàng thủy sản có giá trị như: cá dứa, cá lưỡi trâu, bạch tuộc... Trước đây những sản phẩm này thường được bà con đánh bắt, sau đó sử dụng tươi. Thời gian gần đây, khi nhu cầu thị trường tăng, những sản phẩm chế biến từ thủy sản Cần Giờ bắt đầu xuất hiện nhiều hơn và được đón nhận như: cá dứa một nắng, tôm khô, khô cá đù...
Các sản phẩm khô cá sặc, khô cá đù, cá dứa một nắng... là những sản phẩm đặc sản của vùng ven biển, những nơi có rừng ngập mặn. Cá dứa một nắng, cá đù Cần Giờ có thịt thơm ngon, là nét nổi bậc của sản phẩm thủy sản đã qua chế biến, là một trong những nét đặc trưng của ngành nghề nông thôn Thành phố.
Việc chế biến thủy sản không những giúp bà con tăng giá trị kinh tế đối với con tôm, con cá mà còn giúp quảng bá thương hiệu thủy sản Cần Giờ đến rộng rãi người tiêu dùng.
Xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh, TP.HCM) là một vùng đất ngoại thành với thổ nhưỡng khắc nghiệt nhiễm phèn nặng, thường xuyên ngập mặn, chỉ thích hợp trồng các loại cây chịu mặn, chịu phèn nhưng giá trị kinh tế không cao như: khóm, mía, riềng... Đến năm 2000, người nông dân Bình Lợi đã trồng thử nghiệm và nhận thấy được sự khác biệt giữa cây mai vàng và các cây nông nghiệp khác.
Cây mai vàng có khả năng chống chọi với thời tiết tốt hơn, tỷ lệ cây chết do ngập úng, nhiễm mặn thấp, có đầu ra ổn định, giá trị kinh tế được giữ vững và tăng dần theo độ tuổi của cây, góp phần giúp người nông dân cải thiện thu nhập, ổn định đời sống.
Từ đó, chính quyền địa phương đã định hướng mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng từ các loại cây kém hiệu quả sang mai vàng có hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời nhân rộng, nâng cao chất lượng cũng như số lượng mai vàng địa phương; tích cực tuyên truyền tạo thương hiệu mai vàng và quảng bá mở rộng thị trường tiêu thụ đến nhiều địa phương khác trong cả nước, xem cây mai vàng là thế mạnh, cây chủ lực của nông nghiệp huyện Bình Chánh.