Phát triển làng nghề ở TP.HCM cần chú ý môi trường nông thôn

An Hải Thứ sáu, ngày 23/08/2024 11:32 AM (GMT+7)
Ngành nghề nông thôn và làng nghề ở TP.HCM khi phát triển cần chú ý đến vấn đề môi trường, đặc biệt là nước thải, để không làm ô nhiễm môi trường nông thôn.
Bình luận 0

Nhằm hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn TP.HCM, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch số 1784/KH-UBND về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025.

Phát triển làng nghề ở TP.HCM cần chú ý môi trường nông thôn - Ảnh 1.

Phát triển làng nghề ở TP.HCM cần chú trọng đến vấn đề chất thải. Ảnh: A.H

Thành phố định hướng bảo tồn và phát triển 7 ngành nghề nông thôn và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống. Theo kế hoạch, các làng nghề sẽ được hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề như: đường giao thông; điện; nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước...

Trong hoạt động sản xuất của các làng nghề, ngành nghề nông thôn, vấn đề nước thải được đặc biệt quan tâm. Việc quản lý nước thải trong sản xuất tốt giúp làng nghề hoạt động hiệu quả, tạo ra sản phẩm chất lượng, ngoài ra còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao cảnh quan nông thôn TP.HCM.

Dự thảo Kế hoạch Triển khai thực hiện chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, ATTP và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 của Sở Tài nguyên và Môi trường đặt mục tiêu đến năm 2025, có 100% chất thải rắn và 100% nước thải sản xuất của các làng nghề truyền thống được thu gom và xử lý theo quy định.

Kế hoạch 1784 cũng đặt ra nhiệm vụ hỗ trợ bảo vệ môi trường đối với các làng nghề, ngành nghề nông thôn. UBND Thành phố yêu cầu lập và triển khai phương án bảo vệ môi trường; xây dựng, sửa chữa, cải tạo hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề; có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Cạnh đó cần tuyên truyền, vận động cơ sở ngành nghề nông thôn phải xây dựng và thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định. Thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt, khí thải, nước thải và xử lý ô nhiễm tại chỗ, thu gom, phân loại, lưu giữ, xử lý chất thải rắn tại các làng nghề theo quy định của pháp luật.

Các cơ sở ngành nghề nông thôn đề xuất dự án đầu tư có hiệu quả, sẽ được tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Ngoài ra, kế hoạch 1784 còn hỗ trợ bảo tồn và phát triển làng nghề ở một số nội dung khác như: xúc tiến thương mại, bảo vệ môi trường, chương trình OCOP…

7 ngành nghề nông thôn ở TP.HCM được bảo tồn, gồm: nghề sản xuất bánh tráng (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi); nghề đan đát xã (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi); nghề sản xuất mành trúc (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi); nghề se nhang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh); nghề sản xuất muối (huyện Cần Giờ); nghề trồng mai vàng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh); nghề chế biến khô thủy sản (huyện Cần Giờ).

5 làng nghề, làng nghề truyền thống ở TP.HCM được bảo tồn, gồm: làng nghề sản xuất bánh tráng (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi); làng nghề đan đát (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi); làng nghề se nhang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh); làng nghề sản xuất muối (xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ); làng nghề trồng mai vàng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh - làng nghề mới) được UBND TP.HCM đưa và bảo tồn và phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem