Những ngày gần đây, dư luận xã hội đang không ngừng xôn xao về phiên đấu giá đất tại các huyện vùng ven Hà Nội như Thanh Oai, Hoài Đức... với số lượng hồ sơ đăng ký lớn, mức giá trúng đấu giá tăng vọt, cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm.
Đánh giá về tình hình trên, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng đây là hiện tượng không mới. Về nguyên nhân khiến các phiên đấu giá "nóng sốt", ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS cho rằng dòng tiền đã và đang có xu hướng "đổ" về loại hình đất đấu giá, tại các khu đô thị, khu dân cư khi các địa phương tổ chức nhiều phiên đấu giá để đẩy mạnh nguồn thu ngân sách. Bởi lẽ, đây là loại hình đất sạch, không dính đến tranh chấp kiện tụng, đã có sổ đỏ, hạ tầng, sẵn sàng xây nhà để kinh doanh, cho thuê, thu về dòng tiền hàng tháng.
Nguyên nhân thứ hai, mức giá khởi điểm đất đấu giá thấp nên thu hút người dân. Đơn cử, trước đây, quy định xác định giá đất cho phép thuê tư vấn. Đất đấu giá tại phiên đấu giá ngày 10/8 tại huyện Thanh Oai cũng đã được thuê tư vấn, tư vấn xác định khởi điểm từ 40-45 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, quy định mới hiện nay mức giá đưa ra chỉ từ từ 8,6 - 12,5 triệu đồng/m2.
Ngoài ra, đây là sản phẩm an toàn với mức giá khởi điểm thấp, số tiền cọc thấp (từ 100 - 200 triệu đồng), tạo sức hấp dẫn rất lớn đối với người mua. Chính vì thế, không khó hiểu khi phiên đấu giá này thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc giá đất tại vị trí có cơ sở hạ tầng, tiện ích không nổi bật, vị trí tại các địa phương vùng ven (sở hữu tiềm năng tăng giá ở mức bình thường) mà có lên tới hơn 100 triệu đồng/m2 là bất bình thường, vượt xa giá trị thực tế.
"Nhiều khả năng đây kết quả của các mục đích không lành mạnh. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư tham gia các phiên đấu giá này là những người có "nghề" đấu giá đất, họ thường tham gia với mục đích "đơn giản" đó là "lướt sóng". Đáng chú ý, một số cá nhân còn có động cơ tạo "sốt" đất, kích giá đất nhiều nơi leo thang", ông Đính cho hay.
Theo các chuyên gia, hệ lụy của tình trạng đấu giá đất "nóng" bất thường là giá bất động sản vốn đã cao nay lại càng tăng, khiến giấc mơ về nhà ở ngày càng xa vời với người dân, đặc biệt là người trẻ. Mức giá đấu tăng cao "vượt xa" giá trị thật không chỉ gây khó khăn cho công tác thẩm định giá tài sản phục vụ các đợt đấu giá tiếp theo tại địa phương đấu giá mà còn tại nhiều nơi trên cả nước.
Thời gian tới, VARS dự báo sức nóng của các cuộc đấu giá đất kể trên vẫn sẽ tiếp tục tiếp diễn. Để hoạt động đấu giá diễn ra minh bạch, Nhà nước cần sớm có thêm cơ chế kiểm soát hoạt động đầu cơ.
Cụ thể, nhà nước có thể áp dụng biện pháp đánh thuế, hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ thay vì những đối tượng mua bất động sản phục vụ mục đích sinh sống hay tổ chức sản xuất kinh doanh, yếu tố tài sản tích lũy sẽ giảm đi. Từ đó, góp phần hạn chế đầu cơ, đẩy giá bất động sản giúp kéo giảm giá nhà ở đô thị.
Trong khi đó, ông Đinh Minh Tuấn - chuyên gia của Batdongsan.com. vn cũng bày tỏ sự lo ngại với mức giá trúng đấu giá cao hơn nhiều lần mặt bằng chung có thể dẫn đến việc người dân sở hữu đất ở khu vực xung quanh có tâm lý đẩy giá bán đất của mình tăng theo.
Từ đó, mặt bằng giá cả bất động sản sẽ bị đẩy lên cao, gây biến động thị trường, ảnh hưởng sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản. Đồng thời, việc này cũng gây ra rủi ro cho những nhà đầu tư và làm mất đi cơ hội cho những người có nhu cầu ở thực.