Tiềm năng thu hút nhà đầu tư của bất động sản dưỡng lão
Tiềm năng thu hút nhà đầu tư của bất động sản dưỡng lão
Gia Linh
Thứ tư, ngày 21/08/2024 14:56 PM (GMT+7)
Tại Việt Nam, số lượng cơ sở chăm sóc hay cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi vẫn còn hạn chế. Nắm bắt tiềm năng này, một số nhà đầu tư đã đi trước phát triển mô hình bất động sản dưỡng lão để đón sóng.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già".
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), trạng này đặt ra thách thức với mọi khía cạnh kinh tế xã hội, bao gồm thiếu hụt nguồn nhân lực trẻ, lực lượng và năng suất lao động giảm sút... Nhất là thách thức về việc tăng cường phát triển các mô hình dưỡng lão, đủ để đáp ứng nhu cầu điều trị, chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi.
Cùng với sự phát triển kinh tế, cuộc sống ngày càng hiện đại, định kiến về nhà dưỡng lão cũng đã dần thay đổi, theo hướng tích cực hơn. Nhu cầu về nhà ở dưỡng lão đang tăng lên không ngừng cả về số lượng và chất lượng.
Kết quả khảo sát từ báo cáo về người cao tuổi của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) và Tổng cục Thống kê Việt Nam chỉ ra, khoảng 36% người cao tuổi cho biết họ và gia đình sẵn sàng chi trả cho các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi.
Việc lựa chọn chăm sóc tại các cơ sở bán trú và nội trú sẽ tăng lên trong thời gian tới, bao gồm mô hình dịch vụ chăm sóc người cao tuổi tại nhà, tại cộng đồng và tại các cơ sở chăm sóc, nhất là đối với những người cao tuổi kiếm được nhiều tiền trước khi họ về hưu.
Thực tế hiện nay, việc người cao tuổi dưỡng già trong viện dưỡng lão gần như đã trở thành quy luật tại các quốc gia phát triển. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay, số lượng cơ sở chăm sóc hay cung cấp dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi nói chung, số lượng cơ sở tư nhân nói riêng còn hạn chế so với tiềm năng.
Dữ liệu của Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI) cho thấy Việt Nam chỉ có 32/63 tỉnh có viện dưỡng lão, trong khi tỷ lệ người cao tuổi sống cô đơn ngày càng tăng. Hiện tại, cả nước chỉ có khoảng trên 400 viện dưỡng lão ở Việt Nam, với khoảng 50% là các trung tâm từ thiện hoặc trung tâm do nhà nước đầu tư.
Các động lực để phát triển bất động sản dưỡng lão
Ông Matthew Powell - chuyên gia Savills Việt Nam cho biết nhu cầu của phân khúc viện dưỡng lão đã dẫn đến sự ra đời của những cơ hội đầu tư bất động sản có tính thanh khoản cao. Tương tự như các bất động sản có thương hiệu chuyên biệt với các hồ bơi cho thuê hoặc căn hộ dịch vụ thu hút các nhà đầu tư lớn.
Không bỏ lỡ cơ hội, các "ông lớn" bất động sản đã nhanh chóng nắm bắt thị trường. Đơn cử, hồi tháng 3 vừa qua, Vingroup đã chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác với Well Group (Nhật Bản) để phát triển mô hình trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi đẳng cấp quốc tế theo hai hình thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trong ngày và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dài hạn (nhà dưỡng lão).
Hay vào đầu tháng 8 vừa rồi, Sun Group cũng đã chính thức triển khai dự án đại đô thị Sun Urban City theo mô hình đô thị nghỉ dưỡng ngoại ô với 1.001 tiện ích.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, những cơ sở này vô hình trung mới chỉ đáp ứng cho một bộ phận người cao tuổi rất nhỏ ở khu vực đô thị. Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch VARS cho rằng để đảm bảo đủ số lượng cơ sở và chất lượng chăm sóc cho người cao tuổi, Nhà nước cần xây dựng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi.
Thứ nhất, cần nghiên cứu chính sách miễn, giảm thuế thu nhập đối với doanh nghiệp phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu hoạt động để giảm chi phí và rủi ro tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Thứ hai, nhà dưỡng lão loại hình "nhà ở đặc biệt" nên cần một sự quan tâm đặc biệt. Nhà nước cần nghiên cứu cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho các doanh nghiệp tư nhân muốn đầu tư xây dựng và vận hành nhà dưỡng lão. Tạo quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án phát triển nhà dưỡng lão.
Thứ ba, cần có chính sách để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn vào lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam thông qua các chính sách ưu đãi về thuê đất, chính sách thuế, phí, cải cách thủ tục hành chính…
Thứ tư, cấp đất hoặc cho thuê đất dài hạn với giá ưu đãi cho các doanh nghiệp phát triển nhà dưỡng lão, đặc biệt là tại các khu vực có nhu cầu cao. Giảm hoặc miễn các khoản phí liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các dự án xây dựng nhà dưỡng lão. Thứ năm, xây dựng quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch về tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động của nhà dưỡng lão.
Cuối cùng, khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) theo hướng mở rộng lĩnh vực đầu tư chăm sóc người cao tuổi, tạo cơ sở pháp lý cho việc thu hút vốn đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.