Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử Dân Việt, trên nhiều tuyến phố như Cát Linh (quận Đống Đa), Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), vỉa hè lại được đào xới để cải tạo, nâng cấp.
Trên phố Cát Linh (quận Đống Đa), hàng chục công nhân đang tiến hành lát đá vỉa hè sau khi cốt nền đã hoàn thiện. Loại đá vỉa hè có hình lục giác cũ trước đây được thay thế bằng loại đá hoa cương.
Từ lâu, phố Cát Linh đang tồn tại công trình thi công đường hầm tuyến đường sắt Nhổn – ga Hà Nội nên vỉa hè con phố này thường xuyên trong cảnh rào chắn.
Bà N.L.P sinh sống trên phố Cát Linh cho biết, vỉa hè phố Cát Linh được đơn vị thi công tiến hành cải tạo khoảng 2 tháng trước. Tới thời điểm hiện tại một phần đã cải tạo xong.
"Việc kinh doanh của gia đình cũng bị ảnh hưởng nhiều trong thời gian cải tạo vỉa hè. Vật liệu xây dựng ngổn ngang, ra vào trong nhà gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi mong muốn đơn vị thi công làm đâu gói gọn đó, sớm kết thúc dự án để người dân sinh hoạt bình thường trở lại", bà N.L.P cho biết.
Một người dân khác cho biết, phố Cát Linh mấy năm gần đây luôn bị rào chắn hai bên đường để thi công đường hầm, một số hộ kinh doanh trên phố này có lúc phải đóng cửa hoặc chuyển cửa hàng đi nơi khác.
"Chúng tôi mong sao dự án đào hầm đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội sớm hoàn thiện và được đưa vào hoạt động, vỉa hè cũng được hoàn thiện đồng bộ theo. Người dân chúng tôi khôi phục lại hoạt động kinh doanh như trước đây", người dân này cho hay.
Trên phố Lê Văn Lương (quận Thanh Xuân), giải phân cách làn đường dành riêng cho xe bus BRT cũng đang được nâng cấp. Toàn bộ lớp gạch lát nền cũ được bóc lên để lát lớp gạch mới. Phần làn đường này chủ yếu dành cho người đi bộ di chuyển lên xuống ở các điểm đón trả của xe bus BRT.
Dọc tuyến bus BRT đi về phía đường Lê Trọng Tấn (phường La Khê, quận Hà Đông) vỉa hè hai bên đường cũng đang được đơn vị chức năng căng dây, đào bới. Máy xúc, máy ủi, công nhân làm việc liên tục.
Nhiều năm qua, vỉa hè trên tuyến đường này xuống cấp, gạch vỡ nát, thường xuyên bị chiếm dụng để làm nơi kinh doanh hàng nước, sân chơi chọi gà. Theo ghi nhận, tuyến vỉa hè này rộng và đang được thi công, xây dựng để trở thành vườn hoa, tiểu cảnh.
Trước đó không lâu, vỉa hè đoạn từ giáp địa phận quận Cầu Giấy đến phố Trần Hữu Dực của phố Lê Đức Thọ cũng được cải tạo, thay đá vỉa hè. Đoạn vỉa hè được cải tạo có chiều dài khoảng 0,87km, tổng mức đầu tư hơn 8,7 tỷ đồng.
Trong khi đó tuyến phố Mễ Trì cũng được cải tạo, chỉnh trang hè đường với tổng chiều dài 1,25km, tổng mức đầu tư hơn 14,2 tỷ đồng. Loại gạch được chọn lát vỉa hè có chất liệu bê tông vân đá.
Theo đại diện quận Nam Từ Liêm, từ đầu năm 2024 có 3 tuyến phố trên địa bàn quận được cải tạo. Sở Xây dựng Hà Nội vừa kiểm tra xong 9 tuyến phố thuộc 5 dự án trên địa bàn quận Đống Đa và Cầu Giấy. Về cơ bản, việc cải tạo vỉa hè trên những tuyến phố của 2 quận phù hợp theo quy định hiện hành.
Theo Sở Xây dựng, đối với việc lát gạch block hiện nay, đa số các quận đều không dùng gạch block tự chèn để lát vỉa hè. Tuy nhiên, không có quy định cấm sử dụng loại gạch này.