Câu chuyện của vở diễn "Cánh cửa khép hờ" nói về một cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc sinh con. Người chồng là Chủ tịch của một tập đoàn nghĩ rằng, 20 năm tới tập đoàn phải có một lãnh đạo kiệt xuất nên ông ấy đã đồng ý với cho một Giáo sư làm ra một đứa trẻ đột biến, một siêu nhân. Ông hy vọng, 20 năm sau, đứa con của ông sẽ thay thế ông ấy quản lý công ty của mình.
Theo NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, vở cải lương "Cánh cửa khép hờ" là lời cảnh tỉnh nhân loại trước các xu thế lạm dụng công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo đang diễn ra tràn lan hiện nay. Đồng thời khẳng định, mỗi bước tiến của nền văn minh nhân loại phải luôn song hành, thân thiện với các quy luật của tự nhiên. Mọi tham vọng tác động làm biển đổi hệ cân bằng sinh thái tự nhiên nhằm mang lại những lợi ích vị kỷ cá nhân, đều tiềm ẩn những hiểm họa cho toàn nhân loại.
Tác phẩm cũng thể hiện mong muốn dấn bước vào các đề tài hóc búa, làm phong phú món ăn tinh thần hướng tới tiếp cận nhiều hơn các đối tượng khán giả ở mọi lứa tuổi, không ngừng đổi mới để vừa bảo tồn vừa phát huy những giá trị truyền thống của nghệ thuật sân khấu cải lương Việt Nam.
"Đề tài viễn tưởng, tương lai là đề tài sân khấu cải lương chưa bao giờ đề cập tới. Vì thế, với vở diễn này, các nghệ sĩ sẽ có nhiều điều kiện để thể hiện sự sáng tạo của mình. Trên thực tế, câu chuyện biến đổi gen, công nghệ AI đang tác động và ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống con người.
Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, đây cũng là một phép thử với sân khấu cải lương nên chúng tôi "đánh liều" một phen. Mặc dù có nhiều sự rón rén nhưng nhà hát vẫn quyết tâm làm đề tài này, cải lương làm viễn tưởng thế nào, có đủ thuyết phục không. Đề tài này cũng hứa hẹn thông qua ngôn ngữ nghệ thuật truyền thống nhưng vẫn ẩn chứa yếu tố hiện đại, đương đại thông qua thành tố: nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, âm nhạc…", NSND Triệu Trung Kiên nhấn mạnh.
NSND Triệu Trung Kiên cũng cho rằng, bản thân anh là một người rất tò mò, thích tìm hiểu và khám phá về con người vũ trụ, luân hồi, luật nhân quả... Và vở diễn giống như một cơ duyên để được trải lòng về vũ trụ, quy luật tự nhiên.
Vở diễn được dẫn dắt câu chuyện phần 2 khá chặt chẽ. Xây dựng một xã hội tương lai ở 20 năm sau. Có những đoạn cải lương được phối bằng nhạc cụ hiện đại chứ không phải nhạc cụ truyền thống như thường thấy. Cách dựng rất trừu tượng nhưng được đơn giản hóa bằng kỹ thuật sân khấu: âm thanh, ánh sáng…Quá trình dịch chuyển liên hành tinh cũng đã được tái hiện trên sân khấu, tạo cho khán giả hình dung rõ bối cảnh.
Thông điệp mà vở diễn muốn nhắn gửi là hãy tôn trọng tự nhiên và đừng tác động vào tự nhiên để thỏa mãn lợi ích cho cá nhân. Khi tác động sai lầm thì sẽ tạo nên thảm họa.
Diễn viên người Mỹ Charlie Win chia sẻ: "Tôi từng rất thích thú khi xem vở cải lương Vì nghĩa nước non. Là người Mỹ, thường xuyên xem nhạc kịch Mỹ, tôi bất ngờ khi nghệ thuật truyền thống lại đề cập đến yếu tố viễn tưởng tưởng chừng chỉ có ở phim điện ảnh".
Chị Minh Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: "Vở cải lương "Cánh cửa khép hờ" thực sự ấn tượng. Tuy nhiên, để tiếp cận gần hơn với công chúng, đặc biệt công chúng trẻ tuổi, cần đa dạng cách thức quảng bá. Bắt tay cùng các loại hình nghệ thuật khác, làm phong phú cải lương, đồng thời, giới thiệu, lan tỏa hết nét đẹp truyền thống của nghệ thuật Việt Nam".