236 bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tái hiện trên sân khấu “Sao Độc lập”
236 bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tái hiện trên sân khấu “Sao Độc lập”
Hà Tùng Long
Thứ hai, ngày 26/08/2024 11:01 AM (GMT+7)
236 bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in trên Tạp chí Cộng sản đã được tái hiện đầy xúc động trong chương trình nghệ thuật đặc biệt "Sao Độc lập".
Chương trình chính luận - nghệ thuật đặc biệt "Sao Độc lập" lần năm 2024 với chủ đề "Lời Bác - Lời của non sông" do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng - Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp Bộ Công an tổ chức, chào mừng Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám thành công; Quốc khánh 2/9 và 79 năm Ngày Truyền thống lực lượng Công an nhân dân (CAND) Việt Nam đã diễn ra vào tối qua (25/8) tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tái hiện 236 bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong "Sao Độc lập"
Chương trình có tổng thời lượng 80 phút, gồm 3 chương: Tổ quốc gọi tên mình, Khúc tráng ca huyền thoạivàViệt Nam dáng đứng Rồng bay. Ngoài ra, chương trình còn có một màn Khai từ là những tư liệu vô giá trích dẫn từ 236 bài viết của cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng in trên Tạp chí Cộng sản.
"Đây là những bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng in trên Tạp chí Cộng sản trải rộng khắp từ Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước tới thành phố mang tên Bác - TP.HCM; từ miền núi phía Bắc tới Miền Trung, Tây Nguyên; từ điệp trùng dãy Trường Sơn ra tới Hoàng Sa, Trường Sa vùng biển trời của Tổ quốc. Bất cứ đâu trên mảnh đất Việt vẫn còn lưu hơi ấm những dòng chữ triết chảy từ trái tim nhân văn, tư tưởng vĩ đại của bậc hiền nhân truyền lại khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc trường tồn cho nhân dân và cho đất nước Việt Nam", Tổng Đạo diễn Tuyết Minh chia sẻ.
Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện xuyên suốt chương trình. Ảnh: Minh Khánh
Chương 1 tái hiện không khí của các đội tự vệ, đội du kích như các ATK hoạt động ngầm ở nông thôn các vùng ven Hà Nội như: Trầm Lộng, 7 làng La, 3 làng Mỗ - Hoài Đức, Đình Bảng - Bắc Ninh, Cổ Loa… chuẩn bị xuất thần tiến vào Thủ đô với sức mạnh của ý chí, niềm tin, khát khao mãnh liệt của cả dân tộc tạo nên khí thế ngút ngàn của Tổng Khởi nghĩa 19/8 long trời, lở đất qua hồi ức của Bác Nguyễn Quyết về Tổng khởi nghĩa và thời khắc thiêng liêng khi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập trên Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Điểm nhấn của Chương 2 là những quyết sách làm nên lịch sử của Bộ Chính trị TW Đảng mà người đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cố bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn đề ra Kế hoạch tuyệt mật của đoàn Phương Đông 1 và đội Trinh sát chi viện cho chiến trường Miền Nam, thành lập Đoàn công tác đặc biệt đúng ngày sinh nhật Bác (19/5/1959) mang tên Đường Hồ Chí Minh huyền thoại với con đường huyết mạch: Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa và vũ khí của Miền Bắc đã băng rừng qua dãy Trường Sơn, vượt biển với những con tàu không số trên đường Hồ Chí Minh trên biển để kịp vào phục vụ cuộc kháng chiến của quân và dân Miền Nam.
Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã chi viện những cán bộ chiến sĩ quả cảm, mưu trí nhập với các mũi trinh sát an ninh Sài Gòn - Chợ Lớn hình thành lực lượng Biệt động, nhanh chóng xây dựng các tổ chức vũ trang diệt ác trừ gian, phá hủy những kho hàng, trừ khử những tên bán nước, chiến đấu với Mỹ, Ngụy bảo vệ Sài Gòn, bảo vệ Cách mạng chuẩn bị sẵn sàng chờ hiệu lệnh phối hợp Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968.
Chương 3 là hai ca khúc được biên đạo múa Tuyết Minh sáng tác riêng cho chương trình đó là hành khúc: "Người Lính An ninh biệt động Sài Gòn" tri ân những người con ưu tú của đất mẹ Việt Nam đã dâng hiến trọn vẹn cuộc đời mình cho Tổ quốc trong trận Mậu Thân năm 68 và trường ca: "Lời Bác – Lời của non sông" là khoảng lặng tri ân cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với tình cảm thiêng liêng, niềm xúc động sâu lắng.
Tổng Đạo diễn Tuyết Minh cho biết, với mong muốn, không dừng lại ở một chương trình nghệ thuật kỷ niệm hoặc chào mừng những ngày lễ lớn thông thường, chị xác định "Sao Độc lập" là chương trình nghệ thuật chính luận, nên yêu cầu về lịch sử, tính thời sự và yếu tố nghệ thuật phải được hòa quyện, tinh tế.
Hình tượng người chiến sĩ công an hiện lên sinh động trong các tiết mục. Ảnh: Minh Khánh
"Những nhân vật lịch sử như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Cục trưởng Cục cảnh vệ Hoàng Hữu Kháng và đặc biệt là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những chiến sĩ An ninh Biệt động Sài Gòn đã hy sinh trong chiến dịch Tết Mậu Thân năm 1968 sẽ được phác họa, tôn vinh qua thông điệp đến từ công tác thực hiện nhiệm vụ chính trị của những "nhân vật đặc biệt" như: Đại tướng Nguyễn Quyết; Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Lương Tam Quang; Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – PGS.TS. Lê Hải Bình.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Sao Độc lập" để lại ấn tượng sâu sắc với những giá trị nghệ thuật và sự sáng tạo mới mẻ. Ảnh: Minh Khánh.
Những người nghệ sĩ cùng với tác phẩm đi cùng năm tháng sẽ lùi lại như tiếng nói tri ân của người dân Việt Nam đến bậc anh hùng giải phóng dân tộc, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ và với cả những người anh hùng thời kỳ đổi mới đang ngày đêm hy sinh hạnh phúc riêng để tận hiến cho sự phát triển và cho bình yên của đất nước", Tổng Đạo diễn Tuyết Minh chia sẻ.
Chương trình "Sao Độc lập" 2024 đã mang đến cho khán giả những giây phút hào hùng và đầy lắng đọng, với niềm tự hào, lòng biết ơn bằng cả niềm tin và khát vọng vươn lên chung tay xây dựng đất nước. Khát vọng ấy đã và đang tiếp thêm ngọn lửa truyền thống để các thế hệ hôm nay tiếp tục vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết một lòng, xây dựng và bảo vệ đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.