Clip: Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024 - chị Đỗ Thị Thúy Hà, xã Kênh Giang (huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) chia sẻ về sản phẩm dưa công nghệ cao đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao tại trang trại. Thực hiện: Thu Thuỷ
Trồng dưa công nghệ cao đạt OCOP 4 sao
Xuất phát điểm của chị Hà không phải là một nông dân, nhưng chị Hà lại rất thích làm nông nghiệp - nông nghiệp sạch hiện đại, công nghệ cao.
Chị mong muốn được đóng góp sức nhỏ bé của mình vào việc thay đổi thói quen của nông dân làm nông nghiệp sử dụng hóa chất để chuyển sang làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Chị Hà nuôi "khát vọng" phấn đấu phát triển sản xuất trồng cây bằng công nghệ hiện đại, tuần hoàn khép kín, không sử dụng hóa chất. Tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe cộng đồng, góp phần cho công cuộc xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp tại địa phương.
Nói là làm, chị Hà đảm nhận khu đất gần 7000m2 bỏ không mọc cỏ của địa phương để phục vụ sản xuất. Chị dốc sức đầu tư cải tạo, lắp dựng gần 4000m2 nhà màng để trồng dưa. Chia nhỏ diện tích thành nhiều nhà khác nhau, mỗi nhà màng có diện tích khoảng 1000m2.
Chị làm khung giàn bằng sắt cố định, đầu tư hệ thống tưới nước tự động đến từng gốc cây. Đặt giá thể thành từng luống, bên dưới và trên luống đều lót bạt nilon cách ly với nền đất để tránh được cỏ mọc và mầm bệnh xâm nhập.
Theo cách làm của chị Hà, muốn làm nông nghiệp hữu cơ bền vững là sẽ phải cần có nguồn dinh dưỡng hữu cơ ngay từ đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Vì thế, chị đầu tư 1 "nhà máy sản xuất phân hữu cơ" từ việc nuôi trùn quế (tức giun quế) rộng 2200m2.
Tận dụng hết các phế thải nông nghiệp từ gốc dưa, dây dưa xả ra môi trường sau mỗi lần thu hoạch. Cộng thêm nguồn, rác thải hữu cơ, bèo lục bình vô tận trên sông Giá sẵn có quanh năm.
Chị Hà tận dụng ủ với chế phẩm men vi sinh và biến chúng thành nguồn phân hữu cơ nuôi trùn quế, tạo ra phân bón nhiều dinh dưỡng để phục vụ việc trồng trọt của hợp tác xã.
Trong quá trình cây dưa phát triển, gặp thời tiết bất lợi sẽ sinh ra các triệu chứng gây bệnh. Chị Hà đã chủ động tìm mua vi sinh gốc từ các phòng nghiên cứu vi sinh về nhân giống, nuôi cấy vi sinh, bằng chế phẩm như nước đường vàng, cám, kết hợp nhiều hợp chất khác có tinh dầu nóng để phun trừ cho cây. Mỗi loại vi sinh sẽ phù hợp với một loại sâu bệnh cụ thể.
Để đất trồng dưa được cải tạo, nghỉ phơi màu, diệt mầm bệnh được tốt. Chị Hà tiến hành trồng luân phiên, cứ 1 vụ trồng dưa trên bầu giá thể, 1vụ lại trồng trực tiếp dưới đất. Cách làm này giúp cho dưa trồng ít sâu bệnh, phát triển tốt, chất lượng quả to, đẹp mã và ngọt hơn bình thường.
Một năm, chị Hà trồng được khoảng 3,5 vụ dưa, xoay quanh trên dưới 10 giống dưa khác nhau. Nhưng riêng giống dưa Kim hoàng hậu của HTX đã đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao.
Có kiểm định tồn dư, truy vết, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Mỗi vụ dưa, chị Hà thu được gần 3 tấn dưa /nhà màng. Tổng sản lượng dưa sau 1 vụ thu hoạch khoảng 10 tấn, giá dưa bán tại vườn trung bình từ 60 – 70 nghìn/ kg. Một năm thu về 2,5 tỷ , trừ mọi chi phí chị Hà lãi 1tỷ từ việc trồng dưa.
Sử dụng giải pháp nông nghiệp tuần hoàn
Để rút ngắn thời gian phân hủy phế phẩm hữu cơ, chị Hà đã tiếp cận công nghệ sản xuất men vi sinh từ các phòng thí nghiệm, chủ động nhân sinh khối để ủ rác hữu cơ làm thức ăn cho giun quế và làm phân hữu cơ.
Theo chị Hà, trùn quế được ví như 1 "nhà máy sản xuất phân bón". Khi chúng ăn bao nhiêu rác thì chúng lại cho ra một lượng phân tương ứng. Các sản phẩm chị Hà thu được từ giun quế là phân giun, dịch giun, sinh khối giun.
Clip: Chị Đỗ Thị Thúy Hà - Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024, đi kiểm tra tình hình sản xuất tại trang trại nuôi trùn quế của HTX. Thực hiện: Thu Thuỷ
Một tháng, thu được 15 tấn phân giun, 30 tấn phân bột, 5 tấn phân viên, 5 tấn sinh khối,10 tấn phân hữu cơ, 500 lít dịch trùn, 200 kg trùn quế. Đây đều là những sản phẩm vừa làm sạch môi trường vừa là nguồn dinh dưỡng cao cấp cho cây trồng.
Hiện, HTX Sông Giá đã sản xuất được 4 sản phẩm chính liên quan đến phân trùn quế gồm: Phân viên trùn quế (được sản xuất 100% từ phân trùn quế, trộn với dịch trùn quế), dành bón cho hoa lan, cây cảnh cao cấp.
Phân viên hữu cơ (được làm ra từ phân trùn trộn với các loại giá thể như đất, trấu, bột vỏ hàu nung...) sau đó cho vào máy ép thành viên.
Loại thứ 3 là phân trùn quế bột, loại này cũng được trộn từ phân trùn quế với các loại giá thể để bón lót, bón thúc cho các vườn cây cảnh, cây ăn quả... Loại thứ 4 là phân bón nước từ dịch trùn quế cao cấp, dùng để pha với nước và tưới cho cây.
Trao đổi với PV Báo điện tử Dân Việt, chị Đỗ Thị Thúy Hà – Giám đốc HTX Đầu tư phát triển Sông Giá (xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) cho biết, để tạo ra những sản phẩm chất lượng, chinh phục thị trường, HTX Sông Giá đã chọn hướng đi mới "Nông nghiệp công nghệ cao", trồng rau, hoa, quả sạch sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý sâu bệnh, bảo vệ môi trường.
Ngoài việc hướng dẫn cho các nông dân vùng nông thôn biết sử dụng chế phẩm vi sinh, nhân sinh khối ủ rác thải hữu cơ tận dụng tại gia đình để làm phân, chị Hà còn động viên các thanh niên (nguồn lao động trẻ) vốn không thích nông nghiệp, quay trở về với đam mê làm nông nghiệp.
Đào tạo cho họ từ chỗ chưa biết, trở thành các công nhân vững tay nghề, quản lý các bộ phận, đảm bảo mức lương ổn định, gắn bó, đam mê với nghề. Tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động thường xuyên tại địa phương với mức lương ổn định từ 8,5 triệu -12 triệu/người.
Đặc biệt, năm 2023, HTX đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ xây dựng mô hình điểm về HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với tổng kinh phí thực hiện dự án là hơn 1,687 tỷ đồng. HTX Sông Giá đã đầu tư hệ thống dây chuyền hiện đại sản xuất phân bón vi sinh từ các sản phẩm nuôi trùn quế để phục vụ sản xuất và bảo vệ môi trường.
Các sản phẩm của HTX Đầu tư phát triển Sông Giá, hiện đang có mặt trên sàn điện tử online, offline, trên các hội nhóm và trang fanpage Trang trại Sông Giá.
Ngoài ra, chị Hà còn có các chuỗi cửa hàng phân bón hữu cơ, dinh dưỡng vi sinh, dinh dưỡng hữu cơ vi sinh để phục vụ mục tiêu canh tác của nhóm "Nông dân phố" tận dụng làm vườn trên sân thượng trồng rau sạch, cải thiện sức khỏe gia đình.
Đánh giá về mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của HTX Đầu tư phát triển Sông Giá. Ông Hoàng Văn Tường – Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Hải Phòng cho rằng, đây là một trong những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ điển hình, mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 1,2 lần so với sản xuất đại trà; năng suất và chất lượng sản phẩm được cải thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
"HTX Đầu tư Phát triển Sông Giá sẽ là địa chỉ tin cậy để những hội viên, nông dân trên địa bàn thành phố có thể học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để tạo dựng nên nhiều mô hình ứng dụng công nghệ cao, sử dụng nguồn phân hữu cơ chất lượng cho cây trồng.
Nông dân sản xuất, trồng cây sẽ học tập được cách làm giàu dinh dưỡng cho đất để nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động sản xuất mà không cần sử dụng chất hóa học.
Ứng dụng vi sinh, xử lý rác thải hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp trở thành thức ăn nuôi giun quế, phục vụ hoạt động chăn nuôi khép kín tuần hoàn tại mỗi gia đình, để góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe bản thân và cộng đồng"- ông Tường nhấn mạnh.
Bình chọn và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc là một trong những hoạt động nổi bật, trọng điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương chỉ đạo.
Báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt là đơn vị được giao tổ chức thực hiện Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam.
Cao điểm của Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam là Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, dự kiến sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10/2024 nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày Thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930-14/10/2024).