Với 11ha đất ruộng, nhiều người khuyên ông cho thuê, mỗi ngày cũng bỏ túi tiền triệu nhưng ông bảo: “Ai chẳng muốn nhàn hạ, ngặt nỗi ngày nào không dậy sớm ra đồng hít thở không khí trong lành, không ngửi được mùi bùn đất, mùi lúa mới là tôi bệnh”. Ông là Nguyễn Văn Đại (Ba Đại), tỷ phú chuyên trồng lúa theo hướng hữu cơ ngụ ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang).
Năm 1979, ông Đại cưới vợ và mua 5 công đất ruộng lập nghiệp. Đất đai bấy giờ còn nhiễm phèn nặng nên mỗi vụ lúa thu hoạch chỉ được vài giạ mỗi công, cuộc sống gia đình thiếu trước hụt sau. Để có thêm thu nhập, vợ chồng ông Đại phải làm lụng cật lực, hết cắm câu, đặt lọp đến đặt rượu, nuôi heo. Mảnh ruộng sau nhiều năm được vợ chồng ông cải tạo, bồi đắp cũng màu mỡ hơn, năng suất lúa dần cải thiện. Hễ dư được đồng nào, vợ chồng ông chi tiêu cẩn thận, dành dụm mua thêm đất ruộng.
Cần mẫn lao động, không nản chí trước khó khăn nên từ vài công đất ban đầu đến năm 1999 khi chuyển đổi từ lúa mùa sang canh tác 2 vụ lúa ông Đại đã sở hữu 8ha đất ruộng. Chuyện ông Đại cần cù, sáng tạo, làm giàu từ ruộng vốn khiến người dân địa phương thán phục, nhưng nhiều người càng bất ngờ hơn khi ấp nghèo Ngã Cạy mọc lên căn nhà tường kiên cố với kinh phí xây dựng hết 25 lượng vàng của gia đình ông Đại.
“20 năm vật lộn với ruộng đồng, nếu không mạnh dạn đưa cơ giới hóa, không ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác lúa thì không tài nào khá lên được. Ngày xưa ông bà mình nói “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, nhưng theo tôi, giống phải là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định thắng thua trong sản xuất”, ông Đại nói.
Ông Nguyễn Văn Đại (Ba Đại), tỷ phú trồng lúa hướng hữu cơ ở ấp Ngã Cạy, xã Đông Yên, huyện An Biên (Kiên Giang) bên chiếc máy cày phục vụ việc làm đất trồng lúa của gia đình.
Với quan niệm giống lúa là yếu tố quyết định sự thành công vụ mùa, ông Đại tìm tòi thử nghiệm nhiều giống lúa mới, hễ nghe ở đâu có giống lúa phù hợp với vùng đất phèn mặn, năng suất cao là ông lặn lội tới nơi mang về trồng thử nghiệm. Năm 2015, ông rong ruổi từ An Giang, qua miệt Đồng Tháp, rồi duyên phận giúp người có lòng, ông gặp được kỹ sư Hồ Quang Cua - người đã cùng cộng sự lai tạo thành công nhiều giống lúa như ST5, ST8, ST16, ST19, ST20, ST21 và 2 giống lúa ST24, ST25 từng được bình chọn là loại gạo ngon nhất thế giới.
10 năm trước, khi xã Đông Yên vẫn chưa nhiều người biết đến chuyện làm lúa theo hướng hữu cơ thì ông Đại đã đưa giống lúa ST5 chất lượng cao từ Sóc Trăng về canh tác. Đây là giống lúa chịu hạn mặn, giá bán cao hơn các loại lúa hàng hóa khác nhưng năng suất thấp nên ít người dám chuyển đổi.
Theo lời kể của ông Đại, lúc bấy giờ ông quyết định chuyển sang trồng lúa theo hướng hữu cơ sau thời gian tìm tòi, học hỏi các mô hình trồng lúa hữu cơ ở các tỉnh khác. Nhưng vì mới bắt đầu, chưa am hiểu kỹ thuật trồng lúa hữu cơ nên thời gian đầu thất bại. Lúa lên không đều, hạt gạo chưa đủ thơm ngon như mong muốn, năng suất đạt thấp. Nhiều người biết chuyện bảo ông nên bỏ ý định làm lúa hữu cơ vì tốn nhiều công chăm sóc, lại không lời được bao nhiêu.
Trước lời bàn ra tán vào, ông Đại vẫn quyết tâm thực hiện giấc mơ lúa sạch của mình. Ông áp dụng tất cả kiến thức mình tích lũy được vào canh tác lúa, đồng thời thường xuyên liên lạc với các chuyên gia, nhà khoa học để tìm ra lời giải cho những vướng mắc ban đầu. Ông quyết chí phải làm thành công, bởi theo ông làm lúa theo hướng hữu cơ là con đường đi đúng đắn và là xu thế của thời đại. “Khi sản xuất theo hướng hữu cơ, nông dân khỏe mà người ăn hạt gạo hữu cơ cũng khỏe hơn. Quan trọng là lúa sạch luôn bán được giá cao, cho lợi nhuận nhiều hơn”, ông Đại nói.
Trước diễn biến bất thường của thời tiết, mặn ngày càng xâm nhập sâu vào nội đồng, ông Đại quyết định lấy 15 công đất ruộng để làm bờ bao kiên cố bao quanh 11ha ruộng, tạo thành đê bao khép kín giúp chủ động bơm tát nước. Nhờ vào những cải tiến mới cũng như bài học rút ra sau những lần thất bại, đến vụ đông xuân năm 2022-2023 ông Đại bắt đầu tạo được kỳ tích với 11ha ruộng canh tác lúa theo hướng hữu cơ với giống ST25, năng suất lúa đạt gần 8 tấn/ha, lợi nhuận thu về hơn 1,3 tỷ đồng/năm.
67 tuổi đời, gần 30 năm tuổi Đảng và kinh nghiệm từng tham gia công tác ở nhiều vị trí tại ấp, ông Đại không chỉ là bậc lão nông tri điền với nếp sống giản dị mà còn là người đi đầu trong các phong trào ở địa phương. Nhận thức được lợi ích của kinh tế tập thể, ông Đại kiên trì thuyết phục người dân cùng tham gia tổ hợp tác bơm tưới để tăng hiệu quả khâu quản lý nước, cơ giới hóa, gieo sạ đồng loạt né sâu bệnh.
Với uy tín của mình, năm 2019, tổ hợp tác bơm tưới Đại Nông được thành lập và ông Đại được bầu làm tổ trưởng. Năm 2023, với sự kiến nghị của ông Đại, tổ hợp tác được đầu tư trạm bơm điện 3 pha phục vụ bơm tưới trị giá 375 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện, cũng từ đó giúp giảm chi phí bơm tát, tăng lợi nhuận trong sản xuất cho thành viên tổ hợp tác.