Theo số liệu tổng hợp của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, nhập khẩu 28,28 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu của ngành nông nghiệp là 11,8 tỷ USD, tăng 68,4%.
Chỉ riêng trong tháng 8/2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 5,55 tỷ USD, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó xuất khẩu nông sản chính đạt 2,99 tỷ USD (tăng 22,6%), lâm sản 1,45 tỷ USD (tăng 4,7%), thủy sản 900 triệu USD (tăng 5%). Kim ngạch xuất khẩu ngành chăn nuôi là 46,5 triệu USD (giảm 4,8%) và đầu vào sản xuất 161 triệu USD (giảm 23%).
Đóng góp cụ thể vào kết quả này gồm có nông sản chính ước đạt 21,32 tỷ USD, tăng 24%; lâm sản đạt 10,97 tỷ USD, tăng 19,7%; thủy sản 6,23 tỷ USD, tăng 7,6%; chăn nuôi 324 triệu USD, tăng 0,3%.
Đáng chú ý, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực đều cao hơn cùng kỳ năm trước như gỗ và sản phẩm gỗ 10,24 tỷ USD (tăng 20,6%); cà phê 4,03 tỷ USD (tăng 36,1% với lượng 1.059 nghìn tấn, giảm 11,9%); gạo 3,85 tỷ USD (tăng 21,7% với lượng 6,16 triệu tấn, tăng 5,9%); hạt điều 2,77 tỷ USD (tăng 21,7% với lượng 487 nghìn tấn, tăng 22,9%); rau quả 4,63 tỷ USD (tăng 30,6%); tôm 2,41 tỷ USD (tăng 9,5%); cá tra 1,2 tỷ USD (tăng 8,2%).
Cùng với đó, giá xuất khẩu bình quân cũng ghi nhận mức tăng khả quan với mặt hàng gạo đạt 625 USD/tấn, tăng 14,8%; cà phê đạt 3.805 USD/tấn, tăng 54,5%; cao su 1.567 USD/tấn, tăng 16,6%; hạt tiêu đạt 4.810 USD/tấn, tăng 47%; chè đạt 1.756 USD/tấn, tăng 2,2%.
Cũng theo thống kê, về thị trường, giá trị xuất khẩu vào các thị trường đều ghi nhận mức tăng. Trong đó, xuất khẩu sang khu vực châu Á ước đạt 19 tỷ USD (tăng 15,7%); châu Mỹ đạt 9,3 tỷ USD (tăng 22,3%); châu Âu 4,8 tỷ USD (tăng 30,5%); châu Phi 747 triệu USD (tăng 5,5%) và châu Đại Dương 563 triệu USD (tăng 12,8%).
Tính chung về thị phần, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất với giá trị xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng 21,4%, tăng 23,5%; Trung Quốc chiếm 20,4%, tăng 10,2% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 4,6%.
Xuất khẩu rau, quả tiếp tục là điểm sáng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong tháng 8/2024 khi đạt trên 700 triệu USD, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả tháng 8 là một trong những tháng có giá trị xuất khẩu cao nhất năm. Lũy kế 8 tháng năm 2024, xuất khẩu rau, quả đạt 4,58 tỷ USD.
Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành hàng trái cây Việt Nam, với kim ngạch 2,93 tỷ USD, chiếm tới 64% trong tổng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Tiếp đến là Mỹ, Hàn Quốc với kim ngạch xuất khẩu lần lượt đạt 223,5 triệu USD và 223 triệu USD, tăng 31% và 51% so với cùng kỳ năm trước, chiếm lần lượt 4,88% và 4,87% về thị phần.
Đáng chú ý, Thái Lan đã vươn lên vị trí thứ 4 trong danh sách các thị trường nhập khẩu rau quả từ Việt Nam. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang Thái Lan đạt 141 triệu USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, thời gian qua Thái Lan tăng mạnh nhập khẩu sầu riêng của nước ta, trong đó có sầu riêng đông lạnh. Điều này thúc đẩy giá trị xuất khẩu qua thị trường này tăng. Một số lô hàng sầu riêng của Việt Nam được Thái Lan nhập khẩu sẽ được dùng để xuất khẩu ngược sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Nguyên, bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành hàng rau quả Việt Nam ngày càng được mở rộng ở khu vực Đông Bắc Á. Theo đó, tại khu vực thị trường này, riêng Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm 69% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sau 8 tháng. Có thể nói, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam, bởi các doanh nghiệp xuất khẩu không những hưởng lợi từ thuế quan, mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics so với các thị trường như EU, Hoa Kỳ…
Đề cập về chủng loại trái cây, ông Nguyên cho hay sầu riêng vẫn đang đứng “đầu bảng” về xuất khẩu. Trong 8 tháng, xuất khẩu sầu riêng ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất của sầu riêng Việt Nam và Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc.
Bên cạnh ngành hàng rau quả, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có nhiều tín hiệu tích cực. Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho hay, trong 8 tháng năm 2024, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam ước đạt gần 10,2 tỷ USD, riêng sản phẩm gỗ ước đạt 6,97 tỷ USD. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu năm 2024 đạt 14,2 tỷ USD trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, tăng 6% so với năm 2023. Đến thời điểm này, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam rất khả quan, đã hoàn thành 67% kế hoạch đề ra cho năm 2024.
Các thị trường xuất khẩu lớn nhất đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Mỹ tăng 25,9% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt hơn 5,5 tỷ USD trong 8 tháng năm 2024. Tiếp theo là thị trường Trung Quốc, với 1,2 tỷ USD, tăng tới 39% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Nhật Bản với 961 triệu USD, tăng nhẹ 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc lại giảm 2,1% so với cùng kỳ năm trước, còn 452 triệu USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang Canada với kim ngạch 133 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước; sang Anh đạt 124 triệu USD, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Sở dĩ ngành gỗ có nhiều tín hiệu tích cực về xuất khẩu vì ngành công nghiệp chế gỗ và xuất khẩu sản phẩm gỗ đang có nhiều lợi thế từ nguồn lao động có tay nghề cao, nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào, gỗ nhập khẩu hợp pháp có khả năng sản xuất ra các sản phẩm truy xuất được nguồn gốc.
Năm 2024, Bộ Nông nghiệp và PTNT đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 54 tỷ USD. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định: "Từ tháng 7 trở đi, nhu cầu tiêu thụ nông sản thường cao hơn nên mục tiêu xuất khẩu đến cuối năm vào khoảng 54 tỷ USD chắc chắn đạt được".
Trong những tháng cuối năm, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, tiếp tục xử lý các vấn đề thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, liên minh kinh tế Á-Âu...; tận dụng các hiệp định thương mại quốc tế, đặc biệt là Hiệp định Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới.
Ngoài các thị trường lớn, trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ Nhật Bản, EU, ngành nông nghiệp cũng đang tích cực phối hợp cùng các doanh nghiệp mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như: Các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi...