Công an huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cho biết, đơn vị này đang điều tra, làm rõ để xử lý vụ việc chém bạn nhậu gây thương tích xuất phát từ mâu thuẫn sau khi sử dụng rượu, bia.
Theo đó, khoảng 23 giờ 30 phút ngày 21/8, Hà Văn Đoàn (SN 2006, ngụ thôn Hợp Nhất, xã Luận Khê, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa) cùng Lương Văn Dũng (SN 1998) và L.V.T. (SN 2008, cùng ngụ xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa) đến quán ăn trên địa bàn huyện để ăn và có sử dụng rượu, bia.
Quá trình ăn uống, Hà Văn Đoàn xin thanh toán tiền và đi về trước nhưng Dũng không cho nên hai người xảy ra cãi nhau, Dũng tát Đoàn một cái. Do bực tức nên Đoàn đã vào một nhà dân gần đó lấy dao và chém về phía Dũng nhưng không trúng mà lại trúng vào bả vai trái của L.V.T. đang ngồi cạnh. Hậu quả, L.V.T. bị thương rách da ở bả vai trái phải đi điều trị tại cơ sở y tế.
Luật sư Nguyễn Bá Huy - Giám đốc công ty Luật TNHH Tín Hải, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho hay, hành vi của đối tượng là cố ý, có tính chất hung hăng, xem thường pháp luật, không những đã xâm phạm trực tiếp đến sức khỏe của người khác mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự tại địa phương nên cần xử lý nghiêm khắc.
Dưới góc độ pháp lý thì hành vi này đã xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của người khác, đây là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội và là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo tính chất và mức độ của hành vi mà người vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại (nếu có) theo quy định của pháp luật về dân sự.
Về xử lý vi phạm hành chính, theo điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Người vi phạm còn phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chi trả toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh.
Theo luật sư, trong vụ việc này, chỉ vì xuất phát từ mâu tuẫn cãi vã nhỏ mà đối tượng đã dùng bạo lực xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe người khác. Đối tượng sử dụng dao được xem là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho nạn nhân, điều này đã trực tiếp xâm hại đến quyền nhân thân, sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, ảnh hưởng xấu đến đời sống bình thường của xã hội.
Hành vi phạm tội của đối tượng là cố ý, hung hăng, xem thường pháp luật bởi đối tượng đã dùng dao là hung khí nguy hiểm trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của L.V.T. Về tính chất mức độ của hành vi phạm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người là nghiêm trọng, có sức khỏe con người mới tạo ra các giá trị vật chất, tinh thần phục vụ cho cuộc sống và phát triển xã hội nên pháp luật xem đây là quyền nhân thân bất khả xâm phạm, mọi hành vi xâm phạm đều bị nghiêm trị.
Luật sư Huy cho biết thêm, hành vi của đối tượng Hà Văn Đoàn có đủ yếu tố cấu thành tội "Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Điều 134 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, với hình phạt tù thấp nhất có thể là 6 tháng, cao nhất 20 năm tù.
Hiện nay có một số vụ việc mặc dù nạn nhân chỉ bị thương tích nhưng đối tượng vẫn có thể bị truy tố về tội giết người và nhận mức hình phạt nặng theo Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại, được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thông qua ngày 25/11/2021.
Việc đối tượng bị truy tố theo quy định này hay không sẽ do cơ quan điều tra xác minh, làm rõ tình tiết, tính chất vụ việc và hậu quả đối tượng gây ra.
Bên cạnh đó, trong vụ việc này này, đối tượng gây ra vụ việc có thể bị áp dụng một số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo các điểm d, i Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 2015, bao gồm Phạm tội có tính chất côn đồ.
Nếu qua quá trình xác minh, trường hợp nạn nhân là người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên thì có thể được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Nếu các tình tiết này là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được xem là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.