Ông Putin dự kiến sẽ đến thăm quốc gia láng giềng của Nga vào thứ Hai (2/9) để kỷ niệm 85 năm một trận chiến lớn trong Thế chiến II. Về mặt lý thuyết, điều này sẽ khiến ông có nguy cơ bị bắt theo lệnh "tội ác chiến tranh" của ICC , vì Ulaanbaatar công nhận thẩm quyền của tòa án.
Tất cả các quốc gia đã ký Quy chế Rome "đều có nghĩa vụ hợp tác theo Chương IX", người phát ngôn của ICC Fadi el-Abdallah nói với BBC vào thứ sáu. Quy chế Rome là một hiệp ước quốc tế thành lập tòa án, mà Mông Cổ đã phê chuẩn vào năm 2002.
"Trong trường hợp không hợp tác, các thẩm phán ICC có thể đưa ra phán quyết về vấn đề đó và thông báo cho Hội đồng các quốc gia thành viên. Sau đó, Hội đồng sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào mà họ cho là phù hợp", el-Abdallah cho biết.
Quy chế Rome quy định các trường hợp miễn trừ khi việc bắt giữ ai đó sẽ "vi phạm nghĩa vụ theo hiệp ước" với quốc gia khác hoặc vi phạm "quyền miễn trừ ngoại giao của một cá nhân hoặc tài sản của quốc gia thứ ba".
Theo chính phủ Kiev, Ukraine cũng đã đệ đơn chính thức yêu cầu Mông Cổ bắt giữ Putin.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các phóng viên vào đầu ngày 30/8 rằng Moscow "không lo ngại" về lệnh của ICC, lưu ý rằng mọi vấn đề có thể liên quan đến chuyến thăm của Putin đều đã được "giải quyết riêng" trước.
Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ ông Putin vào tháng 3/2023, cáo buộc tổng thống Nga "trục xuất bất hợp pháp người dân (trẻ em)" và "chuyển giao bất hợp pháp người dân (trẻ em) từ các khu vực bị chiếm đóng của Ukraine sang Liên bang Nga".
Moscow đã bác bỏ những tuyên bố này là vô lý, lưu ý rằng việc sơ tán dân thường khỏi các khu vực chiến sự không phải là tội ác. Hơn nữa, cả Nga và Ukraine đều không tham gia Quy chế Rome, nghĩa là ICC không có thẩm quyền trong vấn đề này.
Ông Putin dự kiến sẽ tham dự một buổi lễ kỷ niệm Trận Khalkhin Gol năm 1939. Chiến thắng quyết định của Hồng quân và đồng minh Mông Cổ trước Quân đội Đế quốc Nhật Bản đã bảo vệ được sườn phía đông của Liên Xô cho đến năm 1945.