Dân Việt

Long An chuẩn bị làm lúa chất lượng cao, giảm phát thải

Trần Cửu Long 05/09/2024 10:54 GMT+7
Tỉnh Long An dự kiến sẽ tổ chức Lễ phát động triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa” trên địa bàn tỉnh Long An trong tháng 10/2024 nhằm tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng bền vững, đồng thời, giảm phát thải khí nhà kính, gắn với tăng trưởng xanh…

Ông Bùi Văn Tuấn, Giám đốc HTX Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ, tâm trạng của bà con thành viên HTX Cây Trôm đang rất háo hức tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa" của tỉnh chuẩn bị triển khai.

Háo hức tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa"

"Bà con HTX Cây Trôm đang tò mò xem chương trình làm lúa này thế nào, bền vững ra sao nên rất hồ hởi muốn tham gia. Bà con nông dân nghe có chương trình làm lúa có thêm thu nhập là họ thích à", ông Tuấn thổ lộ.

Theo ông Tuấn, HTX Cây Trôm đã quyết định đăng ký tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa" với 500 ha diện tích lúa trên nền Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) mà trước đấy HTX đã làm.

Long An chuẩn bị làm lúa chất lượng cao, giảm phát thải - Ảnh 1.

Dùng drone bón phân cho ruộng lúa của HTX Cây Trôm. Ảnh: T.Đ

Ông Tuấn cho biết, HTX Cây Trôm đủ điều kiện tham gia Đề án bởi đã tham gia dự án VnSAT. Với các quy trình canh tác lúa, như "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng", cơ giới hóa sản xuất, xử lý rơm rạ… Bà con thành viên HTX Cây Trôm lâu nay đã sản xuất lúa trên nền dự án VnSAT, nên giờ chỉ nâng cao tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác lúa của Đề án là bắt tay ngay vào sản xuất. "Rất mong Đề án này thành công. Giảm phát thải khí nhà kính là chuyện phải làm, nhưng điều mong muốn hơn của bà con là khi áp dụng quy trình canh tác của Đề án sẽ tạo được thêm nguồn thu nhập từ tín chỉ carbon", ông Tuấn bộc bạch.

Không chỉ bà con nông dân, HTX mà một số tổ chức liên quan cũng đã đăng ký tham gia Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa". Cụ thể, theo ông Trần Quốc Toản, Phó chủ tịch Liên minh HTX Long An, đơn vị này đã đăng ký tham gia Đề án với 1.000ha diện tích lúa. "Chúng tôi đã chuẩn bị vốn để tham gia Đề án", ông Toản thổ lộ.

Vừa qua, để chuẩn bị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa", huyện Tân Hưng đã tổ chức trình diễn mô hình canh tác lúa chất lượng cao giảm phát thải áp dụng máy sạ hàng hiệu ứng đường biên và bón vùi phân bón tại hợp tác xã Hưng Tân (xã Hưng Thạnh, huyện Tân Hưng). Theo đó, nông dân thực hiện mô hình sẽ sử dụng lượng giống gieo sạ là 80kg/ha và lượng phân là 200kg/ha. Với phương pháp sản xuất này, nông dân vừa giảm được lượng giống, vừa bảo đảm việc không bón phân trong 45 ngày đầu gieo sạ. Ngoài ra, việc bón vùi phân còn góp phần giảm thất thoát và giảm hiệu ứng nhà kính.

Xây dựng vùng sản xuất lúa bền vững, giảm phát thải

Theo UBND tỉnh Long An, tỉnh đã ban hành Quyết định 3176/QĐ-UBND về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu hình thành 125.000 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, giảm phát thải khí nhà kính…

img

Các thành viên HTX Cây Trôm đi thăm ruộng lúa. Ảnh: T.Đ

Theo đó, Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa" được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2024 - 2025) tập trung củng cố các diện tích đã có của dự án chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) trên địa bàn tỉnh là 60.000ha. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), xác định cụ thể khu vực trọng tâm để lập dự án đầu tư phát triển vùng lúa chuyên canh chất lượng cao giảm phát thải mới ngoài vùng Dự án VnSAT. Sau đó, mở rộng thêm 65.000ha để hướng tới mục tiêu 125.000ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp trên địa bàn tỉnh. Đề án thực hiện trên địa bàn 8 huyện, thị xã của tỉnh, như Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Đức Huệ, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường. Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp, như: "1 phải 5 giảm", tưới ngập khô xen kẽ, tiêu chuẩn sản xuất lúa bền vững (SRP),…

Hiện, Long An đã xác định, quy hoạch vùng trồng, xây dựng bản đồ Quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Long An; tổ chức rà soát, điều chỉnh đề xuất nội dung Đề án. Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha lúa" trên địa bàn; tổ chức khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng mô hình điểm sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp tại các huyện/thị tham gia Đề án.

Vừa qua, phát biểu tại hội nghị triển khai Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An Nguyễn Thanh Truyền cho rằng, mục tiêu quan trọng của đề án là tổ chức lại sản xuất lúa theo hướng bền vững, hình thành các vùng trọng điểm sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn có sự đầu tư bài bản và liên kết chuỗi giá trị, từ đó nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập nhiều hơn cho nông dân trồng lúa. Đồng thời, đề án còn nhằm mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thân thiện với môi trường, gắn với tăng trưởng xanh.

Bên cạnh đó, để triển khai hiệu quả đề án, ông yêu cầu các địa phương căn cứ tiêu chí của đề án, tiến hành xác định các vùng đạt tiêu chí, đăng ký và xây dựng kế hoạch thực hiện đề án; bố trí kinh phí hoàn thiện các điều kiện ban đầu để triển khai đề án trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Ngoài ra, các địa phương cũng cần chủ động tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp và hỗ trợ các hợp tác xã tham gia đề án, hướng đến phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa bền vững.