Lauren Sharman là một nhà báo, biên tập viên chuyên mảng Du lịch của tờ Daily Mail. Nhà báo Anh đã từng trải nghiệm hành trình khám phá hang động lớn nhất thế giới ở Việt Nam là Sơn Đoòng. Bài viết dưới đây đăng trên Daily Mail kể về những điều đang nhớ sau chuyến đi:
Khi mặt trời lặn sâu sau đường chân trời, tôi cắm lều của mình trên bãi cát. Những người đi cùng cũng bận rộn soạn nệm ngủ tối. Để cửa lều mở, tôi nằm trên túi ngủ và nhìn ra không gian lộng lẫy bao quanh.
Đoàn dựng lều trên một bờ cát rất đặc biệt, nằm sâu trong Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, bên trong hang động lớn nhất thế giới là Sơn Đoòng. Khám phá nơi này làm bạn nghĩ mình đang đi dạo bên trong lòng Trái đất vậy.
Đây thực sự là điểm cắm trại "siêu thực" nhất mà tôi đặt chân tới. Khi nhìn từ cửa lều, tôi hít một hơi sâu khi thấy mặt trời chiếu ánh sáng mê hoặc khắp không gian vòm hang.
Tiếng những giọt nước rỏ tí tách xa xa vọng lại như một bài hát ru êm dịu về đêm, còn bao bọc quanh tôi là những tường thành đá vôi khổng lồ.
Sáng tinh mơ, không gian mù sương, khi nhìn tia nắng đầu tiên xuyên qua cửa hang, mọi người nghĩ đến đến khu rừng rậm phía trên. Giờ đây, sau 2 ngày leo trèo qua đá bằng dây và thang, tôi đã biết rõ hơn về nơi này.
Dòng sông ngầm trong hệ thống hang Sơn Đoòng, thuộc phạm vi Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Oxalis.
Hành trình khởi đầu khi một chiếc xe buýt nhỏ thả cả đoàn lúc 9 giờ sáng trên đỉnh thung lũng và sau đó đi vào rừng rậm. Nước thấm qua giày khi mọi người lội qua sông suối, nhưng giày có độ bám cần thiết để leo những đoạn dốc tới khu cắm trại ở Hang Én.
Mới chỉ đi tới cửa hang tôi đã nghĩ mình bị lừa là tới hang Sơn Đoòng sớm hơn lịch trình. Hang Én là hang lớn thứ 3 thế giới với trần cao tới 145m và chiều rộng chừng 200m. Quy mô hang rất ấn tượng, âm thanh duy nhất nghe được là tiếng ríu rít của loài chim én. Hướng dẫn viên cho hay: "Hang đặt theo tên loài chim vì chúng làm tổ ở đây rất nhiều".
Ở Hang Én trong lúc porter (người dẫn đường kiêm nhiệm vụ khuân vác đồb) chuẩn bị cơm tối thì du khách có thể bơi trên sông. Sau đó chúng tôi nạp năng lượng chuẩn bị cho ngày hôm sau cần phải trekking xuyên hang, lội sông và leo dốc.
Khi hạ độ cao bằng cách tụt dây xuống tới 80m, tôi nhận ra hang Sơn Đoòng vẫn còn nằm ẩn mình rất sâu. Lối vào hang khổng lồ dần hiện ra khi hạ người xuống và lập tức nhiệt độ cũng giảm mạnh.
Sau rất nhiều lần leo trèo, mọi người đã tới điểm cắm trại thứ hai nằm ngay trong hang Sơn Đoòng hùng vỹ. Đó là khoảnh khắc tất cả chờ đợi và đều chung cảm giác như bước vào một thế giới khác. Thành hang rất cao, đến nỗi không lời nào diễn tả nổi và bạn cứ phải ngửa cổ lên để nhìn.
Ánh nắng chiếu qua cửa hang tới trong hang làm nổi bật lên màu xanh của cây cỏ bên dưới. Nắng nhưng không đủ nóng nên cát bên dưới và chân tôi vẫn mát lạnh.
Trong khung cảnh hoang vắng này, mọi người ngạc nhiên khi thấy nhà vệ sinh và lều thay đồ đã dựng sẵn. Đêm nghỉ ở đây trở nên thoải mái hơn và tôi mong chờ một giấc ngủ thật ngon trong "cái kén tối mịt" này.
Điểm cắm trại trong lòng hang Sơn Đoòng, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Oxalis.
Ngày kế tiếp đoàn leo lên những bức tường đá dốc đứng và luồn lách qua các khe nhỏ để tới khu rừng trong hang. Không khí tĩnh lặng, lạnh lẽo mang lại sự trong lành khó nơi nào có được.
Lúc đó chúng tôi vừa đi vừa chia sẻ những tia sáng yếu ớt cùng lũ dơi, nhện, cá và cả bọ cạp. Nhưng thứ tôi thấy duy nhất chỉ là bóng dơi khi chúng lao xuống từ trần hang vào lúc hoàng hôn hoặc khi bị quấy rầy vì đèn treo đầu của du khách.
Lúc hướng dẫn viên thông báo không phải vượt sông nữa, tôi thật sự vui sướng. Tôi đã dừng lại thay một đôi tất mới khô ráo.
Khi ra khỏi hang, tôi được ngắm mặt trời lặn xuống lần nữa và mọi thứ đều nằm trọn trong tầm mắt. Đây là khoảnh khắc đẹp sau nhiều ngày ở trong lòng đất nhưng tôi vẫn đánh đổi một đêm tối nữa nếu được trở lại thám hiểm hang Sơn Đoòng.
Sơn Đoòng được biết là hang lớn nhất với chiều dài gần 9km, bên trong có cả rừng rậm, sông ngầm, hệ sinh thái và thời tiết riêng cùng không gian ước tính chứa được tòa cao ốc 60 tầng. Theo ghi nhận của Oxalis, hang có thể lớn hơn các công bố vì con người vẫn chưa thực sự khảo sát hết.
Mặc dù được dân địa phương phát hiện ra từ 1990, tới năm 2013, Sơn Đoòng mới chính thức nằm trên bản đồ du lịch với hành trình thám hiểm ra mắt trong năm đó.
Chỉ 1.000 khách (chia thành nhóm 10 người) được phép vào Sơn Đoòng mỗi năm và chỉ có một đơn vị được tổ chức tour. Vì thế hành trình 6 ngày trekking ở đây rất nhanh hết chỗ.