Trước đó, chiều 19/8, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo 2 nước, Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải Quan Trung Quốc đã ký 3 nghị định thư về xuất khẩu, trong đó có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch và sức khỏe đối với cá sấu nuôi xuất khẩu từ nước ta sang Trung Quốc.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành này. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế, mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.
Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đang phát triển trong hơn 30 năm qua, các sản phẩm như thịt, da và các bộ phân khác hầu như có giá trị rất cao. Trong đó, thịt cá sấu có giá trị dinh dưỡng rất cao và rất dễ nuôi, chúng ta có thể tận dụng các thịt động vật để chăm sóc cá sấu.
ĐBSCL là nơi có tiềm năng và lợi thế rất lớn trong nuôi cá sấu. Vừa qua, việc xuất khẩu cá sấu gặp khó khăn, tuy nhiên đến thời điểm này, cá sấu đã được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ giúp mặt hàng có thể tiêu thụ thuận lợi.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết thêm, nhu cầu tiêu thụ cá sấu ở Trung Quốc rất lớn, cao gấp nhiều lần các nước khác. Tuy nhiên, để xuất khẩu được cá sấu sang thị trường này thuận lợi, các cơ sở, doanh nghiệp được phép gây nuôi phải xây dựng được vùng nguyên liệu, vùng chăn nuôi và chăm sóc cá sấu và phải đáp ứng được các điều kiện nêu ra trong Nghị định thư đã được ký kết giữ Bộ NNPTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, việc xuất khẩu cá sấu nuôi vào thị trường Trung Quốc phức tạp hơn so với 2 mặt hàng cùng được ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc vừa qua là dừa và sầu riêng đông lạnh. Bởi ngoài các quy định về kiểm dịch động vật và sức khỏe của cá sấu, cá sấu là động vật hoang dã được kiểm soát bởi cơ quan quản lý CITES - công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.
Vì vậy, khi xuất khẩu da cá sấu, các sản phẩm từ da cá sấu, cá sấu nguyên con ra khỏi biên giới Việt Nam đều phải tuân theo những quy định của công ước này và phải có Giấy phép CITES xuất khẩu đối mặt hàng này. Giấy phép CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng/mẫu vật CITES. Thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép xuất khẩu và tái xuất khẩu là 06 tháng.
Trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn các đơn vị tham gia xuất khẩu nắm vững các yêu cầu và quy định mới, giúp các địa phương, doanh nghiệp và người sản xuất chuẩn bị tốt cho việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để đảm bảo quá trình triển khai Nghị định thư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân Việt Nam tận dụng tối đa cơ hội từ các nghị định thư này.