Sáng nay 5/9, hòa trong không khí hân hoan lễ khai giảng của cả nước, thầy trò Trường Phổ thông cơ sở Xã Đàn (Hà Nội) đã tiến hành khai giảng năm học mới. Không giống với những ngôi trường khác, đây là một trường chuyên biệt của Hà Nội, đào tạo cho cả học sinh bình thường và học sinh khiếm thính, thiệt thòi với 3 cấp học mầm non, tiểu học và trung học.
Chính vì vậy, lễ khai giảng tại đây cũng diễn ra một cách đặc biệt. Thầy cô giáo và học sinh dùng tay để hát Quốc ca và đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới 2024 – 2025.
Với mô hình dạy liên cấp, hiện nay trường tổ chức dạy học cho cả học sinh bình thường (trong đó học sinh khiếm thính chiếm 60%).
Với sự pha trộn này, các học sinh khiếm thính có được sự chăm sóc tốt hơn, sự quan tâm từ phía bạn bè giúp các em hòa nhập tốt hơn. Trong khi đó, những học sinh bình thường cũng có thể giúp đỡ học sinh khiếm khuyết, từ đó sẽ rèn giũa được lòng nhân ái, bao dung của các em.
Ngay từ sáng sớm, hàng trăm học sinh, giáo viên và phụ huynh của trường đã có mặt để chuẩn bị cho lễ khai giảng. Đúng 8 giờ, tiếng trống trường vang lên báo hiệu buổi khai giảng chính thức bắt đầu. Khoảng sân phía trước, học sinh các khối đã ngồi thành từng hàng ngay ngắn. Các em nói chuyện với nhau bằng cử chỉ của đôi tay, bằng ánh mắt và cả nụ cười.
Chỉ ít phút sau, bản nhạc "Tiến quân ca" vang lên. Khối các học sinh bình thường bắt đầu cất tiếng hát. Nửa còn lại, những học sinh "đặc biệt" cũng ngước mắt nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay, tay cũng "vẽ ký hiệu" để hát Quốc ca theo cách riêng của mình.
Nhìn các em học sinh với những cánh tay đưa lên xuống rất đều theo nhịp nhạc, thầy Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng nhà trường xúc động chia sẻ: "Ngôn ngữ cử chỉ, đó mới là đặc trưng của trường Xã Đàn. Được hát quốc ca, các em sẽ thấy hòa đồng hơn với các bạn bình thường khác và có niềm vui ngày khai trường trọn vẹn hơn".
Theo thầy Hoan, hôm nay là ngày vui lớn của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và các em học sinh. Mặc dù thầy và trò đang làm việc, học tập tại môi trường có điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế nhưng với sự tâm huyết của giáo viên, tinh thần chăm chỉ, vươn lên trong học tập của các học sinh, trường quyết tâm phấn đấu đạt nhiều thành tích tốt trong năm học 2024 - 2025.
Theo các thầy cô, tập hát quốc ca tập thể bằng ngôn ngữ cử chỉ cho học sinh khiếm thính khó như tập múa, bởi yêu cầu động tác của các em phải đồng đều. Để hát được chính thức, nhà trường đã phải tập cho các em trong nhiều tuần.
"Các em khiếm thính nên trong việc điều chỉnh hàng lối diễu hành cũng như dạy hát, không thể dùng loa như với học sinh bình thường. Còn dùng ngôn ngữ cử chỉ thì các em không để ý, không nhìn mình nên không hiểu. Vì thế, thầy cô phải tới tận nơi, hướng dẫn từng em một", cô Nguyễn Thu Hiền, Bí thư Chi đoàn nhà trường chia sẻ.
Theo cô Hiền, trong năm học mới, ngoài việc tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đổi mới về giáo dục đối với học sinh khuyết tật, nhà trường cũng sẽ đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, tập trung xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; tập trung vào việc hướng nghiệp cho các em. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ thành lập Câu lạc bộ ngôn ngữ ký hiệu để giáo viên và học sinh có nguồn dữ liệu chính thống.
"Chúng tôi tin rằng, đối với trẻ khuyết tật thì lễ khai giảng là một khởi đầu mới mang lại niềm tin, một cách để truyền lửa cho các em trong suốt trong quá trình đến trường. Ở đây, chúng tôi sẽ thực hiện sứ mệnh làm một người cha, người mẹ để các con có thể học tập, phát triển một cách tốt nhất", cô Hiền xúc động chia sẻ.