Vốn là một con khỉ sinh ra từ mảnh đá vá trời của Nữ Oa Nương Nương khiến đất trời đều rung chuyển. Tất cả Thần, Phật, Yêu, Nhân đều hướng sự chú ý vào con khỉ đá này. Bằng sự linh hoạt, tinh ranh vốn có của loài khỉ cùng khát khao được sống trường thọ, Tôn Ngộ Không đã đi tầm sư học đạo, đoạt gậy Như Ý của Long Vương lên để một bước lên trời. Sau khi đại náo Thiên cung, "con yêu hầu" kiêu ngạo tự xưng mình là Tề Thiên Đại Thánh.
Trong Tây Du Ký, một Tôn Ngộ Không chiến đấu theo bản năng, vì sự ngạo mạn của bản thân chưa thể coi là một chiến thần. Tề Thiên Đại Thánh ngạo nghễ khuynh đảo điện Linh Tiêu, đạp đổ lò bát quái, phá tiệc vườn đào của Vương Mẫu Nương Nương cũng bị Như Lai Phật Tổ trừng trị. 500 năm bị giam dưới Ngũ Hành Sơn liệu có thể khiến con khỉ đá ấy ngộ ra, phải hiểu được rằng tại sao cần chiến đấu, chiến đấu vì cái gì mới xứng đáng với danh hiệu "chiến thần" cao quý.
Một kẻ ngông cuồng, bản tính tự do kiêu ngạo dù được Đường Tăng cứu ra khỏi 500 năm bị đày thì vẫn có ý không phục. Tuy nhiên, trên đường thỉnh kinh với Đường Tăng, tình cảm thầy trò ngày càng trở nên gắn bó. Tôn Ngộ Không liên tiếp trừ yêu diệt ma, đưa sư phụ đến được Tây Thiên để lấy Chân Kinh.
Liên tục chiến đấu, không ngừng trở nên mạnh mẽ hơn, Tôn Ngộ Không giúp Đường Tăng vượt qua 81 kiếp nạn, chiến đấu vì một mục tiêu duy nhất. Vượt chặng đường gian nan khổ ai trần gian, Tôn Ngộ Không tu thành chín quả, được Như Lai Phật Tổ ban cho danh hiệu Đấu Chiến Thắng Phật - Chiến Thần đại diện cho nhà Phật hoàn toàn xứng đáng.
Không chỉ có một Tôn Ngộ Không tài phép được nhận danh hiệu Chiến Thần. Có Chiến Thần đại diện cho Thần, Yêu cũng tài phép ảo diệu, áp đảo đối phương không kém gì vị Đấu Chiến Thắng Phật này.
Hình Thiên vốn là một trong các đại ma thần tham gia đại chiến Cửu Lê - Hoa Hạ. Sau khi Xi Vưu dẫn theo 72 huynh đệ bại dưới tay Hoàng Đế, Cửu Lê đối diện với cục diện nguy hiểm. Trong thời khắc quan trọng, Hình Thiên vì muốn đột phá bản thân, đã không ngừng tu hành để trở nên mạnh mẽ. Tiếc rằng chủng tộc Cửu Lê không đợi được đến thời khắc Hình Thiên đạt được trạng thái bộc phá, cuối cùng trở thành lê dân, còn Hình Thiên vì "tình" mà gia nhập Ma Tộc, cho đến lúc lên Cửu Thiên vẫn không hối hận.
Hình Thiên chỉ là một chiến binh vô danh, từng làm đại thần dưới thời Viêm Đế cai trị toàn cõi thiên địa, rất thích ca hát thơ phú. Sau này đại chiến với Hiên Viên Hoàng Đế, đánh đến bất phân thắng bại, song lại vì sơ sảy mà bị Hoàng Đế chặt đầu. Oán khí của Hình Thiên lớn đến nỗi dù bị chặt đầu, hắn vẫn không chết mà lấy núm vú làm mắt, rốn làm miệng, hai tay tiếp tục cầm búa quyết chiến tiếp. Cuối cùng, Cửu Thiên Huyền Nữ buộc phải can thiệp mới khiến Hình Thiên ngã xuống. Đầu của Hình Thiên được táng ở Thường Dương Sơn Lộc.
Dương Tiễn là con trai thứ hai của Dương Thiên Hựu và Dao Cơ tiên tử (em gái của Ngọc hoàng). Trước khi trở thành thần, đây là một trong những tướng kiệt xuất và thông minh dưới trướng Khương Tử Nha trong Phong Thần Ký. Trí tuệ và 72 tài biến hoá của Dương Tiễn thể hiện ở những trận đánh trong Phong thần diễn nghĩa như lần giao tranh với "Ma gia tứ tướng" (Ma Lễ Thanh, Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Thọ, Mã Lễ Hải), dùng Bát Trận Đồ giết chết Viên Hồng và Mai Sơn thất quái, lập nhiều đại công đặc biệt là trong 2 trận đại chiến Tru Tiên và Vạn Tiên.
Trong Tây Du Ký, trước khi Tôn Ngộ Không bị Như Lai Phật Tổ khống chế, Nhị Lang Thần Dương Tiễn cũng đã khiến Tề Thiên Đại Thánh lừng lẫy gặp một phen khốn đốn. Đủ biết sức mạnh của Nhị Lang Thần to lớn cỡ nào.