Tổ tiên của người hiện đại đã di cư khỏi Châu Phi khoảng 70.000 năm về trước. Và nhờ khí hậu châu Phi bảo vệ con người khỏi cái lạnh gây ra bởi những kỷ băng hà, tổ tiên chúng ta đã "rũ bỏ" lớp lông dày trên da để thích nghi với nhiệt độ cao.
Nhưng khi rời châu Phi để di cư tới những miền lạnh hơn, tổ tiên con người đã thay đổi cách sống, chuyển từ săn bắt hái lượm theo bộ lạc tới trồng trọt chăn nuôi với một mô hình xã hội đơn sơ. Những thay đổi này ép con người một lần nữa phải thích nghi, và rồi tự tay quyết định hướng tiến hóa của chính mình.
Tuy vậy, cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa biết chính xác nhờ đâu mà sau khi rời Châu Phi rực nắng, tổ tiên chúng ta chịu được cái lạnh ở những miền có khí hậu cực đoan.
Nghiên cứu trong suốt hai thập kỷ qua gợi ý rằng một biến đổi DNA trong mỡ cơ thể cùng với gene FTO (vốn có mối liên hệ tới tình trạng béo phì) có liên quan tới khả năng sinh nhiệt của tế bào mỡ trên cơ thể người. Theo nhận định của giới khoa học, biến đổi gene này có thể liên đới tới khả năng thích nghi với môi trường lạnh của động vật có vú, trong đó có con người.
Trong nghiên cứu mới nhất, các nhà khoa học phân tích tần số xuất hiện của biến thể gene này trong một nhóm tình nguyện viên có nhiều gốc gác, và phát hiện ra mối tương quan đáng chú ý giữa tần suất xuất hiện biến thể C và nhiệt độ trung bình của bề mặt Trái Đất vào tháng Giêng.
Theo các chuyên gia, điều này cho thấy "vị trí địa lý càng lạnh, tần suất biến thể xuất hiện càng cao". Cũng theo các nhà khoa học, sự biến thiên của tần suất xuất hiện biến thể C khớp với bản đồ di cư của con người trong lịch sử.
Họ nhận định, rằng sự thay đổi này xuất hiện khi một bộ phận dân cư rời Châu Phi để tới lục địa Á-Âu, qua đó phải thích nghi với nhiều mức độ lạnh mới. Những cá thể sở hữu biến thể C sẽ có khả năng sinh nhiệt trong thời tiết lạnh cao hơn, từ đó có khả năng sinh tồn tốt hơn tại miền lạnh giá.
Các nhà khoa học nhận định đây có thể là một trong những biến thể gene giúp tổ tiên của chúng ta chịu đựng được nhiệt độ thấp, họ nói thêm rằng cần những nghiên cứu sâu hơn nữa về hướng tiến hóa của con người để chúng ta có được khẳng định cuối cùng.
"Cũng giống như những bức tranh vẽ trên tường hang Blombos, DNA của chúng ta cũng là những trang sử trung thực về mọi sự kiện đáng chú ý trong suốt hành trình tiến hóa của con người", nhóm các nhà nghiên cứu kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.