Ngày 6/9, thông tin mà phóng viên có được, Công an tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành điều tra dấu hiệu dán tem "nông sản Đà Lạt" vào khoai tây Trung Quốc của một số điểm kinh doanh rau củ trên địa bàn hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương.
Cụ thể, vào ngày 24/8, Phòng Cảnh sát Điều tra về tội phạm ma túy, Công an tỉnh Lâm Đồng đã tiến hành kiểm tra 8 điểm kinh doanh rau củ trên địa bàn hai huyện Đức Trọng và huyện Đơn Dương.
Tại huyện Đơn Dương, lực lượng chức năng đã phát hiện những bao đất đỏ được xay nhuyễn, thùng giấy và hàng trăm sọt khoai tây đã nhuộm đất còn ướt đang được hong khô dưới quạt máy công suất lớn.
Tại hai vựa nông sản T.U và C.Q ở xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương), Công an tỉnh Lâm Đồng cũng phát hiện hàng chục tấn khoai tây Trung Quốc. Thời điểm kiểm tra, cả 2 điểm kinh doanh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ số khoai tây này.
Trong khi đó, tại huyện Đức Trọng, lực lượng chức năng cũng phát hiện hành vi tương tự tại vựa nông sản T.V. Tại vựa nông sản này, ghi nhận có khoảng 1 tấn khoai đã được trộn đất đỏ, còn 1/3 bao đất chưa sử dụng xong.
Làm việc với cơ quan chức năng, chủ vựa nông sản T.V cho biết, đất được trộn cho khách quen và khoai tây được lấy từ Trung Quốc đưa về Bắc Ninh rồi mang về vựa. Sau đó khoai tây sẽ giao cho các bạn hàng ở các tỉnh Nha Trang, Bình Thuận, Đồng Nai, Cà Mau…
Bước đầu, Công an tỉnh Lâm Đồng xác định một số vi phạm của các cơ sở trên như: Kinh doanh không phép, kinh doanh sai phép, một số điểm chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ, một số điểm kinh doanh trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc.
Trước đó, Dân Việt đã phản ánh tình trạng một số nông sản Trung Quốc có giá chỉ bằng 20-30% so với giá địa phương đổ về Lâm Đồng (chủ yếu Đà Lạt). Chính vì vậy, nhiều nông sản của địa phương đã gặp khó trong việc tiêu thụ.
Người dân tại TP. Đà Lạt cũng cho biết, mặc dù nông sản khó bán, giá xuống nhưng vẫn phải canh tác, vì nếu để để đất trống thì càng gặp khó khăn. Ngoài ra, trước đây, chỉ khi nào nông sản Đà Lạt hết mùa, khan hiếm thì hàng Trung Quốc mới được nhập về, nhưng vài năm trở lại đây thì xuất hiện quanh năm khiến người dân địa phương càng gặp khó khăn.