Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải là một trong những đơn vị quản lý rừng lớn nhất tại tỉnh Quảng Trị. Ban này quản lý tổng cộng 21.000ha rừng, trong đó có hơn 11.000ha rừng tự nhiên được chi trả tiền tín chỉ carbon. Năm 2023, đơn vị này nhận được 1,5 tỷ đồng tiền tín chỉ carbon từ Ngân hàng Thế giới. Số tiền này được chuyển về tài khoản của đơn vị từ hơn nửa năm nay nhưng đến bây giờ vẫn chưa thể chi trả cho cộng đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hùng – Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải cho biết, nếu số tiền này không vướng thì sẽ được sử dụng để chi trả các khoản chi phí quản lý hoạt động khoán bảo vệ rừng, hoạt động hỗ trợ sinh kế cho cộng đồng có tham gia thỏa thuận quản lý rừng, hỗ trợ UBND xã có tham gia thỏa thuận quản lý rừng, thực hiện các biện pháp lâm sinh như khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng, hỗ trợ tuyên truyền tập huấn…… Tuy nhiên, các kế hoạch vẫn đang nằm trên giấy vì vướng quy định của Nghị định 107.
Ông Hùng cho biết, Nghị định 107 quy định, không chi trả chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách Nhà nước. Thế nhưng, thực tế hiện nay đa số diện tích rừng tự nhiên ở tỉnh Quảng Trị đã được bố trí kinh phí từ ngân sách Nhà nước để bảo vệ rừng. Mức kinh phí ngân sách chi trả để bảo vệ rừng từ 300.000 – 400.000 đồng/ha tuỳ tình hình của từng xã. Vì vậy, nếu chi thêm tiền tín chỉ carbon sẽ trở thành chi chồng chéo, vi phạm Nghị định 107.
Để gỡ vướng, Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải đã lập phương án, chi 50 triệu đồng cho mỗi thôn, bản ở gần rừng và tham gia bảo vệ rừng thuộc 3 xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô, Vĩnh Khê. Số tiền này sẽ phục vụ xây dựng, mua sắm công trình phúc lợi cộng đồng, do thôn, bản tự đề xuất. Số tiền còn lại, Ban sẽ đầu tư các công trình lâm sinh, trồng cây rừng bản địa… Thế nhưng, phương án "phá băng" này vẫn còn trên giấy, chưa được duyệt.
Ông Trần Xuân Dưỡng – Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Quảng Trị cho biết, hơn 126.692ha rừng của tỉnh này được chi trả tín chỉ carbon. Tỉnh đã nhận về hơn 50 tỷ đồng nhưng đang "mắc kẹt".
Tại Quảng Bình, Công ty lâm công nghiệp Long Đại vẫn đang đau đầu vì chưa thể chi trả 21 tỷ đồng tiền tín chỉ carbon cho hơn 57.000ha rừng tự nhiên. Khoản tiền lớn từ Ngân hàng Thế giới đã được chuyển về tài khoản của đơn vị từ hơn nửa năm nay. Lý do cũng tương tự như Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ lưu vực sông Bến Hải nêu ở trên.
Toàn tỉnh Quảng Bình có 11.411 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; 23 chủ rừng là tổ chức và 71 Ủy ban nhân dân cấp xã trong diện được chi trả tiền tín chỉ carbon. Trong đó, các chủ rừng là ban quản lý rừng phòng hộ và các công ty lâm nghiệp gặp khó khi chi trả tiền tín chỉ carbon vì vướng nghị định 107.
Ông Phan Văn Phước – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện mức trần chi trả bảo vệ rừng theo quy định mới nhất ở mức cao nhất lên đến 800.000 đồng/ha. Nhưng thực tế mức chi trả của các chương trình bảo vệ rừng khác cũng hưởng từ ngân sách Nhà nước hiện mới ở mức 300.000 đồng/ha. Nếu tính khoản chi trả từ tín chỉ carbon để đạt mức trần 800.000 đồng/ha sẽ giúp nâng cao thu nhập và ý thức trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ rừng.
Theo ông Phước, để nâng cao hiệu quả khai thác tín chỉ carbon, góp phần bảo vệ rừng bền vững, thời gian tới các cơ quan trung ương cần nghiên cứu, sửa đổi nghị định 107, giúp khơi thông dòng tiền tín chỉ carbon.
Lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cho biết, đã kiến nghị Bộ NNPTNT tháo gỡ những quy định gây vướng mắc ở Nghị định 107, rất mong sẽ sớm có giải pháp tháo gỡ.