Cập nhật vị trí mới nhất của bão số 3 (bão Yagi): Hồi 6h sáng nay (7/9), vị trí tâm bão số 3 (bão Yagi) ở vào khoảng 20.4 độ Vĩ Bắc; 108.3 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh – Hải Phòng 160km. Sức gió mạnh nhất: Cấp 14 (150-166km/h), giật cấp 17. Trong 3 giờ tới, bão số 3 (bão Yagi) di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Theo ông Đinh Hữu Dương - Trưởng phòng Dự báo thời tiết của Đài Khí tượng Thủy văn Khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, do Hà Nội nằm sâu trong lục địa nên có thể bắt đầu chịu ảnh hưởng của bão số 3 Yagi từ sáng và trưa 7/9. Gió ở khu vực Hà Nội khả năng đạt cấp 5 - cấp 6 và vào thời điểm bão tác động mạnh nhất có thể đạt cấp 7, giật cấp 9.
"Cũng do ảnh hưởng của bão, Hà Nội sẽ đối mặt với một đợt mưa lớn, tập trung chủ yếu trong 2 ngày từ 7 - 8/9. Tuy nhiên, theo lưu ý từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cần cảnh giác do ảnh hưởng của rìa xa cơn bão, ngay từ bây giờ trên khu vực Hà Nội có khả năng xuất hiện các đợt mưa dông mạnh bất chợt. Những đợt dông mạnh trước bão đã từng xảy ra trong lịch sử có thể làm đổ cột điện, đổ cây rất nguy hiểm" - ông Dương nhấn mạnh.
Ông Đinh Hữu Dương cảnh báo thêm, mưa ở Hà Nội dự báo sẽ tập trung trong thời gian không dài nên có thể gây ra hiện tượng quá tải trong việc thoát nước; khả năng xuất hiện ngập lụt ngập úng trong khu vực nội thành.
Thời gian có thể kéo dài từ 30 - 40 phút hoặc lâu hơn tùy theo diễn biến thực tế. Các vùng ngoại thành, vùng trũng thấp cũng có thể xuất hiện ngập lụt.
"Đặc biệt chúng tôi lưu ý với cường độ mưa như vậy các sông nội tỉnh như Cà Lồ, sông Bùi, sông Tích của Hà Nội có nguy cơ cao xuất hiện lũ với biên độ lũ 1 - 3m.
Sông Tích, sông Bùi có thể xuất hiện lũ báo động 3. Vùng trũng thấp tại Chương Mỹ có thể tái diễn tình trạng ngập sâu dài ngày như từng xảy ra do ảnh hưởng của bão số 2" - ông Dương khuyến cáo.
Thông tin về diễn biến bão số 3 (bão Yagi), ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia cho biết: Từ trưa và chiều ngày 7/9: Thủ đô Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, gió 5-6, có nơi cấp 7-8, giật cấp 10; Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Hòa Bình gió cấp 5-6, giật cấp 8).
Trong sáng và trưa nay, gió tiếp tục mạnh lên và mở rộng ra các tỉnh khác khu vực ở phía Đông Bắc Bộ trong đó có thủ đô Hà Nội.
Đối với mưa lớn, dự báo tính thời điểm bắt đầu mưa ở khu vực Đông Bắc Bộ và trong đó cao điểm mưa sẽ xảy ra từ khoảng trưa cho đến tối ngày hôm nay (7/9). Đối với các tỉnh sâu trong đất liền, mưa có thể bắt đầu muộn hơn và sẽ kéo dài.
Từ nay đến ngày 9/9: Khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hoà Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) và Thanh Hoá có lượng mưa khoảng 150-350 mm, có nơi trên 500 mm. (Tp. Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình: 200-400 mm, có nơi trên 500mm; tỉnh Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh: 150-300 mm, có nơi trên 400 mm).
Từ ngày 07 đến ngày 10/9, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nhận định đỉnh lũ trên các sông như sau:
+ Đỉnh lũ trên sông Thao, thượng lưu sông Lô ở mức BĐ1-BĐ2;
+ Đỉnh lũ trên sông Cầu, Thương, Lục Nam ở mức BĐ1-BĐ2;
+ Đỉnh lũ trên sông Hoàng Long ở mức BĐ2;
+ Đỉnh lũ trên các sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng và Hòa Bình lên mức BĐ2-BĐ3.
+ Đỉnh lũ trên sông Bưởi, thượng nguồn sông Mã (Thanh Hóa) lên trên mức BĐ1.
Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, thành phố và các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ do mưa lớn, đặc biệt tại các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Bắc Kạn, Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Hà Nội.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, tập trung trong thời gian ngắn là mối nguy đặc biệt về lũ quét, sạt lở đất, tập trung tại vùng núi, trung du các tỉnh khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa.
Cần đặc biệt lưu ý các huyện có nguy cơ rất cao: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hoà Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Thanh Hoá.
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, xảy ra mưa to, gió giật, sét... người dân nên ở nhà và hạn chế ra đường, các phương tiện không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn vì mưa bão, gió giật thường đi kèm hiện tượng sét; luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định...
Những khu vực cần tránh:
+ Khu vực lũ: Không bao giờ đến gần khu vực bị lũ. Cũng không được để trẻ em và người lớn tuổi lại gần nước lũ.
+ Sát lề đường: Đây là khu vực trũng nên khi có mưa thì nước ngập sâu hơn, thậm chí còn gồ gề và có nhiều nắp cống nên bạn rất dễ bị nước cuốn làm ngã xe. Hãy cứ đi thong thả đi ở khu vực giữa của làn đường và tuyệt đối không "bon chen" lên vỉa hè. Nếu có thể hãy đi theo các vệt xe phía trước và giữ cự li an toàn để dễ xử lí khi gặp tình huống bất ngờ.
+ Vị trí nằm giữa các tòa nhà cao tầng (đặc biệt là đoạn ngã tư): Đây chính là nơi hút gió, thậm chí tạo thành những cơn gió xoáy khiến bạn không thể giữ vững được tay lái. Những luồng không khí có tốc độ di chuyển chậm cũng có thể đột nhiên tăng tốc khi len lỏi qua các khoảng trống ở giữa những tòa nhà cao tầng (những khoảng trống ở giữa các tòa nhà cao tầng thường lớn hơn những nơi khác).
+ Dưới gốc cây to: Các phương tiện không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn vì mưa bão, gió giật thường đi kèm hiện tượng sét. Bạn nên nhớ tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Những loại cây dễ đổ là loại cây có rễ chùm như xà cừ, muồng...
+ Cẩn thận với các khu vực có công trường thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn.
+ Khu vực gần các loại xe cỡ lớn: Khi đi gần các xe cỡ lớn như xe buýt, xe tải, xe chở rác… bạn có thể bị nước bắn lên người làm hạn chế tầm nhìn hoặc nguy hiểm hơn là bị xô ngã (các xe này có thể tạo sóng mạnh ở những đoạn ngập lụt).
Đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn khi đi ra đường
Cần chú ý quan sát các biển báo trên đường, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lí các sự cố, tránh gây tai nạn. Đồng thời bạn cũng nên chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lí bởi trong những ngày gió lớn, nhiều biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường... cũng là mối nguy hiểm tiềm tàng. Quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.
Hạn chế đi trên cầu. Nếu có thể tìm được con đường khác bạn nên hạn chế di chuyển trên cầu cao vào những ngày mưa gió giật mạnh. Bởi càng trên cao, sức gió càng mạnh khiến bạn không thể làm chủ được tay lái của mình. Nếu bắt buộc phải đi trên cầu, bạn nên di chuyển với tốc độ chậm và cố gắng ghì người xuống xe và hạ thấp đầu để tránh bị "gió tạt bay". Tránh băng qua cầu nếu nước đang dâng cao và chảy xiết. Tránh băng qua cống nước, chúng có thể rất nguy hiểm vì nước rất xoáy và mạnh. Đã có nhiều trường hợp sụt chân xuống lỗ cống và bị nước cuốn trôi.
Mặc áo mưa sáng màu, gọn gàng, không sử dụng ô. Nhờ tính tiện dụng, áo mưa chui đầu thường được nhiều người ưu tiên sử dụng. Nhưng thực tế khi đi đường trong những ngày mưa bão, gió giật mạnh bạn nên mặc kiểu quần và áo mưa tách rời. Áo mưa bộ giúp tiết diện cản gió thấp nhất, không lo bị tạt vạt áo mưa trong trường hợp gió to gây trở ngại trong việc điều chỉnh phương tiện giao thông. Đây là một trong những nguyên tắc đi đường ngày mưa bão rất quan trọng nhưng thường bị mọi người xem nhẹ.
- Luôn bật đèn xe, chú ý điều chỉnh tốc độ ổn định. Trong thời tiết mưa bão, tầm nhìn của bạn thường bị hạn chế rất nhiều và khó điều chỉnh được xe theo ý muốn một cách linh hoạt. Do đó bạn nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì nó sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông. Một trong những điều cần tuyệt đối tránh khi đi đường ngày mưa bão là cố gắng đi nhanh để đến địa điểm sớm. Tốc độ cao khiến sức gió thổi lớn hơn và khiến bạn không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp. Đây được đánh giá là nguyên tắc đi đường ngày mưa bão cơ bản nhất.
Đảm bảo an toàn PCCC trong sử dụng điện
Không leo trèo lên cột điện hoặc vào trạm điện; không sử dụng thiết bị điện điện không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện an toàn; không dùng dây trần làm dây dẫn điện trong nhà.
Khi xảy ra sự cố về điện, cần lập tức cắt điện ngay, tránh để dây điện chạm xuống nền nhà, hoặc nơi bị ngập nước.
Các thiết bị điện trong nhà cần được lắp riêng biệt cho từng tầng, có bộ phận ngắt điện riêng; vùng dân cư có nguy cơ ngập lụt cần lắp đường dây điện, ổ cắm cao trên 1,5m đề phòng bị ngập nước. Trường hợp nhà bị ngập nước mà không cắt được điện thì phải đứng trên các nơi chưa bị ngập, gọi điện hoặc kêu cứu để mọi người báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.
Khi người hoặc chân tay bị ướt không được tiếp xúc với điện; các thiết bị điện bị ngấm nước, phải sấy khô mới được sử dụng. Khi thấy dây dẫn điện bị đứt, các thiết bị điện bị đổ hoặc thấy nguy cơ mất an toàn thì không lại gần và cảnh báo cho mọi người chung quanh, đông thời báo đơn vị điện lực quản lý cắt điện.
Trong mùa mưa bão, cần kiểm tra hệ thống dây và các thiết bị điện trong nhà, tránh để dột và ẩm ướt ở những nơi có điện. Khi kiểm tra xem có điện hay phải dùng bút thử điện để thử; thường xuyên kiểm tra dây dẫn từ nhà ra cột điện. Nếu phát hiện có những điểm không đảm bảo an toàn, nên báo ngay cho Điện lực. Nếu phần hư hỏng nằm phía sau đồng hồ điện thì bắt buộc phải cắt cầu dao điện chính rồi mới tiến hành sửa chữa.
Gia cố lại mái che, nhà ở, đốn những cây cối cao gần cạnh nhà để phòng gió, lốc xoáy làm đổ ngã. Kiểm tra lại dây dẫn điện bên trong nhà và dây dẫn điện từ bên ngoài vào nhà. Tránh gió, lốc xoáy làm đứt rơi xuống gây tai nạn hoặc chạm chập gây cháy;
Các bảng điện tử quảng cáo ngoài trời phải đảm bảo các điều kiện an toàn về điện, đề phòng chạm, chập gây ra cháy khi có mưa, giông, gió mạnh;
Các thiết bị dụng cụ điện phát nhiệt như bàn ủi, bếp điện không để gần chất dễ cháy để tránh phát sinh cháy, nổ khi tiếp xúc. Các ổ cắm điện cần lắp đặt ổ 3 chấu, có chấu thứ 3 nối đất để an toàn khi thiết bị điện rò điện ra bên ngoài;
Khi sửa chữa điện trong nhà phải ngắt cầu dao điện, thông báo cho mọi người cùng biết để không đóng điện bất ngờ. Tốt nhất là nhờ người có chuyên môn kỹ thuật về điện để sửa chữa nhằm tránh nguy cơ tai nạn hoặc chạm chập điện gây cháy sau khi mở cầu dao lên;
Khi sử dụng các thiết bị điện cầm tay như máy sấy tóc, máy masage, máy mài, máy khoan… phải mang găng tay cách điện để tránh giật nếu rò điện. Khi di chuyển các dụng cụ đang cắm điện phải ngắt nguồn.
Để tránh chập điện, người dân mỗi khi ra khỏi nhà phải tắt hết các thiết bị dùng điện hoặc tốt nhất là ngắt cầu dao tổng, để nếu có thiết bị điện trong nhà mà quên tắt, thì hoạt động trong thời gian dài sẽ phát nhiệt gây cháy.
Cách xử lý khi có cháy xảy ra trong mùa mưa cũng tương tự so với mùa khô. Khi có trường hợp chạm chập điện gây cháy, điều cần thiết nhất là phải ngắt ngay cầu dao hệ thống điện tại chỗ, báo động cho mọi người thoát ra khỏi nhà, khỏi cơ quan, xí nghiệp. Phải tập trung cứu người trong đám cháy (nếu có), sau đó, nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy để dập lửa.