Cụ thể, chia sẻ với Dân Việt cách đây ít phút, ông Mai Văn Khiêm- Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia đã lý giải lí do vì sao bão số 3 Yagi vào đất liền vẫn không giảm cấp. Đồng thời, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cũng đưa ra nhận định khi nào thì bão số 3 Yagi sẽ giảm cấp.
Cụ thể, ông Mai Văn Khiêm thông tin, bão số 3 Yagi có hệ thống mây tương đối tốt, có tính chất tổ chức cao. Trưa, chiều nay khi vào đất liền, bão số 3 cần có một thời gian nhất định thì mới giảm được cường độ.
Từ quan trắc vệ tinh cho thấy rằng, hiện nay hệ thống mây của bão số 3 không chỉ bao trùm ở khu vực Bắc Bộ mà còn lan ra cả khu vực Bắc Trung Bộ. Trong hệ thống mây như vậy, rất hay xuất hiện mây đối lưu dạng xoắn, tạo ra hiện tượng mưa lớn cục bộ kèm theo lốc, xoáy và gió giật mạnh.
Gió giật mạnh này nhiều khi còn mạnh cơn cả gió trong cơn bão mạnh. Chính vì vậy, chúng tôi tiếp tục kiến nghị, đề nghị người dân, đặc biệt là người dân trong khu vực trọng tâm ảnh hưởng của cơn bão số 3 này, tiếp tục cần chú ý, đề phòng tác động đặc biệt là gió giật mạnh trong những giờ tới đây.
"Như đã phân tích ở trên, với hệ thống mây được tổ chức tốt thì cơn bão số 3 này sẽ phải cần nhiều thời gian để giảm cấp so với các cơn bão bình thường. Có nhiều khả năng, phải đến sau buổi tối ngày hôm nay (7/9) thì bão số 3 mới có xu thế suy giảm về mặt cường độ", ông Mai Văn Khiêm dự báo.
Hà Nội bước vào cao điểm mưa, gió giật, khuyến cáo người dân không nên ra đường
Từ 15-16 giờ trở đi, TP Hà Nội sẽ có gió mạnh cấp 6-7, gió giật cấp 8-9. Sức gió này có khả năng quật ngã nhiều cây lớn, thổi bay biển quảng cáo, người dân không nên ra đường.
Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trường phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khuyến cáo Hà Nội sẽ chịu ảnh hưởng bão trực tiếp chậm hơn khu vực ven biển. "Từ 15-16 giờ trở đi, TP Hà Nội sẽ có gió mạnh cấp 6-7, gió giật cấp 8-9. Sức gió này có khả năng quật ngã nhiều cây lớn, thổi bay biển quảng cáo nên người dân không ra ngoài từ đầu giờ chiều nay"- ông Hưởng nói.
Trong khi đó, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 7-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ trưa đến chiều tối ngày 7-9).
Khu vực ven biển từ Ninh Bình đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5 m đến 1,5 m. Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão.
Về mưa, phía Đông Bắc Bộ và Thanh Hóa: Từ chiều ngày 7/9 đến hết đêm 7/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-250 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm. Ngày và đêm 8/9 có mưa vừa, có nơi mưa to và dông với lượng mưa phổ biến 20-60mm, có nơi trên 150 mm; riêng khu vực vùng núi có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 60-120 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm.
Phía Tây Bắc Bộ từ chiều 7/9 đến sáng ngày 9/9, có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-300 mm, cục bộ có nơi trên 450 mm.
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.