Tọa lạc bên cạnh dòng sông Hồng đầy ắp phù sa ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, chùa Keo được biết đến là một trong mười công trình kiến trúc cổ tiêu biểu của Việt Nam. Theo Báo Lao Động, chùa Keo được khởi công xây dựng từ năm 1630 và hoàn thành vào năm 1632. Đặc biệt, thời gian xây dựng ngôi chùa chỉ khoảng 2 năm nhưng để quyên góp và vận chuyển đủ gỗ về đây phải mất đến 19 năm.
Chùa Keo được xây dựng theo lối kiến trúc đặc trưng "Nội công ngoại quốc" và dựng hoàn toàn bằng gỗ lim với kỹ thuật cao, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau và mái lợp ngói nam.
Quần thể chùa Keo cũng chứa đựng nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật khác nhau với những nét riêng độc đáo, tiêu biểu như: Tam quan, tòa Giá Roi, hành lang đông tây, gác chuông,... Kết cấu và cách bố trí của từng khu cũng có sự khác biệt, cao thấp, lớn nhỏ, lên xuống bồng bềnh nhưng lại quyện hòa với nhau tạo thành tổng thể rất chặt chẽ và chắc chắn.
Hiện nay, ngôi chùa này đang lưu giữ khoảng 200 di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa lớn. Đặc biệt, hiếm có di tích lịch sử, văn hóa nào sở hữu nhiều bảo vật quốc gia như chùa Keo (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình).
Theo đó, chùa Keo lưu giữ hai bảo vật quốc gia quý giá, đầu tiên là hai bộ cánh cửa gỗ chạm khắc hình tượng rồng, một kiệt tác nghệ thuật của người xưa có niên đại thế kỷ XVII, đặt ở cửa chính tam quan nội chùa Keo tỉnh Thái Bình, được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2017. Hiện nay, tại chùa Keo đang lưu giữ hai bộ cánh cửa gỗ được các nghệ nhân phục dựng lại giống như nguyên bản, trong khi đó, bộ cánh cửa chính gốc đang được bảo quản, trưng bày trang trọng ngay tòa chính giữa của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Bảo vật quốc gia thứ 2 tại chùa Keo là hương án (còn gọi là nhang án) tạo tác thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII, được công nhận bảo vật quốc gia năm 2021.
Trải qua gần 400 năm với bao thăng trầm biến động của lịch sử, thiên tai, địch họa và nhiều lần tu bổ, song chùa Keo hiện nay vẫn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc thuở ban đầu. Với những giá trị đặc biệt về văn hóa lịch sử, năm 2012, quần thể chùa Keo được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, điểm đến du lịch quốc gia từ năm 2013.
Thời gian đã phủ lên ngôi chùa này một vẻ bàng bạc, rêu phong trầm buồn, tuy nhiên cũng rất gần gũi, an lành. Nơi đây là điểm đến linh thiêng không chỉ với người dân địa phương mà còn thu hút nhiều du khách từ khắp nơi về chiêm bái.