Để khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia BHYT, Nhà nước cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ về mặt tài chính.
Theo quy định, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 30% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, và tại một số địa phương, chính quyền còn trích ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm phần đóng góp này. Hiện tại, đã có 27 tỉnh, thành phố triển khai chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên.
Trong đó, một số tỉnh, thành phố có mức hỗ trợ lớn như: Hà Giang hỗ trợ 70% mức đóng; Hưng Yên, Bà Rịa- Vũng Tàu hỗ trợ 30% mức đóng; Quảng Ngãi hỗ trợ từ 20-30% mức đóng; Bắc Kạn, Cà Mau, Hậu Giang, Ninh Bình, Sơn La, Vĩnh Phúc hỗ trợ 20% mức đóng…
Điều này không chỉ giúp giảm áp lực tài chính cho gia đình mà còn khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia BHYT một cách tự nguyện và chủ động hơn.
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến năm học 2023-2024, đã có khoảng 19,1 triệu học sinh, sinh viên tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 97,8% tổng số học sinh sinh viên trên toàn quốc.
Đáng chú ý, một số địa phương như Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên đã đạt tỷ lệ bao phủ BHYT tới 100% học sinh, sinh viên. Điều này cho thấy chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, nhận được sự hưởng ứng tích cực từ phía phụ huynh và các em học sinh.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên ngày càng được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao với các thủ tục thuận tiện, thông thoáng, được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, chi phí lớn….
Nhìn vào kết quả thực hiện công tác khám chữa bệnh BHYT cho học sinh, sinh viên thời gian qua cho thấy, quỹ BHYT đã chi trả cho rất nhiều bệnh nhân là học sinh sinh viên mắc các bệnh nan y, mạn tính như: suy thận, ung thư, tim mạch… với chi phí điều trị từ vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, quỹ BHYT đã chi trả chi phí khám chữa bệnh cho hơn 4,05 triệu lượt học sinh sinh viên, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, có 517 trường hợp học sinh, sinh viên mắc các bệnh hiểm nghèo như suy thận, ung thư, tim mạch đã được BHYT thanh toán chi phí từ 100 triệu đến hơn 500 triệu đồng.
Điều này không chỉ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình các em mà còn giúp các em yên tâm điều trị và phục hồi sức khỏe.
Không chỉ vậy, BHYT còn đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích học sinh, sinh viên hình thành thói quen tự bảo vệ sức khỏe và nhận thức về việc phòng bệnh.
Có thể thấy, một trong những lợi ích lớn nhất của chính sách BHYT học sinh, sinh viên là khả năng giảm thiểu gánh nặng tài chính cho người tham gia khi không may mắc bệnh hoặc tai nạn.
Với BHYT, các gia đình chỉ cần chi trả một phần nhỏ trong tổng số chi phí y tế, phần còn lại sẽ do quỹ BHYT hỗ trợ. Đây là một biện pháp hữu hiệu giúp nhiều gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, không phải lo lắng về chi phí khám chữa bệnh cho con em mình.
Tham gia BHYT, các em được tiếp cận với các chương trình khám sức khỏe định kỳ, tư vấn y tế và các hoạt động phòng chống bệnh tật. Thông qua đó, các em hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc duy trì lối sống lành mạnh, đồng thời nhận thức được rằng việc phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh.