Không cần mổ mở vẫn thay van động mạch phổi thành công

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 07/09/2024 06:07 AM (GMT+7)
Thay van động mạch phổi qua da là kỹ thuật mới giúp bệnh nhân không cần mổ mở, cưa xương ức, giảm đau đớn, tổn thương.
Bình luận 0

Hai bệnh nhi được thay van động mạch phổi qua da

Tin từ Bệnh viện E cho biết, bệnh viện vừa tiến hành 2 ca thay van động mạch mổ qua da cho 2 bệnh nhi, giúp các em giảm tổn thương, hồi phục nhanh chóng. 

Bệnh nhân đầu tiên là bé N.H.V (12 tuổi, ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang), được phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh tứ chứng fallot lúc 4 tháng tuổi. 

Sau đó, bệnh nhi đã được phẫu thuật sửa chữa triệt để tứ chứng fallot lần 1 tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E vào năm 2013, sức khỏe bệnh nhi đã được cải thiện nhiều.

Thời gian gần đây, bệnh nhi V. thường khó thở khi gắng sức và hạn chế khi hoạt động thể lực, gia đình đưa cháu đến khám tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E. Thông qua kết quả siêu âm tim và chụp MRI của bệnh nhi cho thấy, tình trạng hở van động mạch phổi khiến máu trào ngược từ động mạch phổi về tâm thất phải. 

Theo các bác sĩ, đây là diễn tiến tự nhiên thường gặp sau phẫu thuật điều trị tứ chứng fallot. Ở trường hợp này, cần có chỉ định thay van động mạch phổi và sau khi tiến hành hội chẩn, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có đủ điều kiện để có thể tiến hành thay van động mạch phổi qua da.

Thay van động mạch phổi qua da cứu bệnh nhi tim bẩm sinh phức tạp- Ảnh 1.

Bệnh nhi được phẫu thuật thay van động mạch phổi qua da. Ảnh BVCC

Anh N.V.C, bố của bệnh nhi V cho biết, sau khi được các bác sĩ khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E giải thích về tình trạng bệnh và lý do lựa chọn phương án can thiệp cho con bằng kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da, gia đình rất yên tâm vì con không cần phải mổ mở và cưa xương ức. Theo anh C, lần phẫu thuật tim trước, bé V phải phẫu thuật bằng phương pháp mở ngực, cưa xương ức rất đau đớn. 

Một bệnh nhi khác là bé N.V.H.P (9 tuổi, ở huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Vĩnh Phúc) cũng bị bệnh tim bẩm sinh tứ chứng fallot và đã được phẫu thuật sửa chữa toàn bộ tứ chứng fallot năm 2 tuổi bằng phương pháp phẫu thuật tim hở. Gần đây, bé được phát hiện bị hở động mạch phổi.

Sau can thiệp, sức khỏe của hai bệnh nhi ổn định, có thể đi lại vào ngày hôm sau, kết quả siêu âm tim và điện tim tốt. Hiện bệnh nhi đã hồi phục, hết khó thở, không còn mệt mỏi khi gắng sức, đã ra viện và có thể trở lại học tập, sinh hoạt bình thường. 

Tại sao phải thay van động mạch phổi qua da? 

TS, bác sĩ Trần Đắc Đại – Trưởng khoa Tim mạch trẻ em, Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E cho biết, tứ chứng Fallot hay còn gọi là Fallot 4 là một trong những bệnh lý tim bẩm sinh có tím thường gặp. Đây là một bệnh lý tim bẩm sinh tương đối phức tạp với 4 dạng khiếm khuyết tim: thông liên thất, tắc nghẽn đường thoát thất phải, động mạch chủ cưỡi ngựa và phì đại tâm thất phải.

Các khuyết tật về tim này làm giảm lưu lượng máu đến phổi, đưa máu thiếu oxy đến các cơ quan khác trên cơ thể nên trẻ bị thiếu oxy lâu ngày, dễ bị mệt, tím da niêm... Nếu không được theo dõi và phẫu thuật, diễn tiến tự nhiên của bệnh thường dẫn đến tăng tỉ lệ các biến chứng, giảm tuổi thọ, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ Đại, phương pháp mổ mở truyền thống, người bệnh phải trải qua một cuộc phẫu thuật lớn: gây mê hồi sức kéo dài, cưa xương ức, liệt tim… và cắt thân động mạch phổi, khoét phễu thất phải để thay conduite động mạch phổi, với mức độ xâm lấn lớn và nguy cơ biến chứng cao. 

Còn với kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da sẽ giúp người bệnh tránh được cuộc phẫu thuật tim lớn (mổ mở), giúp người bệnh có khả năng hồi phục nhanh hơn, giảm thời gian nằm viện và giảm các nguy cơ biến chứng...

Thay van động mạch phổi qua da cứu bệnh nhi tim bẩm sinh phức tạp- Ảnh 3.

Cả hai bệnh nhi đã được phẫu thuật thay van động mạch phổi qua da thành công. Ảnh BVCC

Trong quá trình can thiệp, các bác sĩ chỉ mở vào đường tĩnh mạch đùi rồi luồn ống thông lên tĩnh mạch chủ dưới đến nhĩ phải, xuống thất phải và lên động mạch phổi. 

Các bác sĩ thực hiện các thao tác để lựa chọn kích cỡ van động mạch phổi phù hợp, đưa van động mạch phổi nhân tạo qua đường ống thông từ tĩnh mạch đùi lên động mạch phổi và tiến hành thả van động mạch phổi, nằm trong thân động mạch phổi nguyên bản của người bệnh. Sau đó, van nhân tạo bung ra và hoạt động như một van tim bình thường.

Bác sĩ Đại chia sẻ, dựa vào tình trạng bệnh lý và thể trạng của từng bệnh nhi mà bác sĩ sẽ có chỉ định phác đồ và thời gian can thiệp hay phẫu thuật phù hợp nhất. Để thực hiện thành công một ca can thiệp thay van động mạch phổi qua da, yếu tố quyết định phụ thuộc vào trình độ chuyên môn của các phẫu thuật viên, phải có nhiều năm kinh nghiệm trong can thiệp tim mạch.

Trong quá trình thực hiện kỹ thuật can thiệp thay van động mạch phổi qua da các bác sĩ tại Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E còn có một ekip phẫu thuật tim mạch chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu để xử trí kịp thời những biến chứng nếu có.

Bác sĩ Đại khẳng định, phương pháp thay van động mạch phổi qua da không chỉ mở ra một hướng đi mới trong điều trị mà còn là niềm hy vọng cho những người bệnh hở van động mạch phổi sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot và các bệnh lý thương tự. 

Trong thời gian tới, các bác sĩ khoa Tim mạch trẻ em sẽ tiếp tục tiếp tục đẩy mạnh kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da trong điều trị cho người bệnh giúp ngày càng nhiều người bệnh được tiếp cận với phương pháp tiên tiến này.

Tuy nhiên, chi phí để thực hiện một ca can thiệp thay van động mạch phổi qua da là khá lớn trong khi lại chưa được BHYT thanh toán. 

Do đó, các bác sĩ mong muốn kỹ thuật thay động mạch phổi qua da được đưa vào danh mục kỹ thuật y tế được BHYT thanh toán, giúp nhiều bệnh nhân được điều trị tốt hơn.  

 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem