Thứ trưởng Bộ TN-MT Lê Minh Ngân cho biết, qua hơn 1 tháng thực hiện, bước đầu cho thấy Luật Đất đai 2024 và các văn bản hướng dẫn thi hành cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách,... theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW. Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm trong việc xây dựng, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, trong đó có vướng mắc liên quan đến việc điều chỉnh bảng giá đất theo luật mới.
Theo ông Ngân, việc điều chỉnh bảng giá đất tại khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai 2024 về việc chuyển tiếp sử dụng là cần thiết. Đây là điều kiện để các địa phương thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá đất trong bảng giá đất hiện hành với mặt bằng giá đất thực tế. Đồng thời, từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 để áp dụng từ 01/01/2026, tránh cú sốc tăng giá đột biến trong bảng giá đất ảnh hưởng đến người dân và doanh nghiệp.
"Đối với các địa phương không có sự điều chỉnh kịp thời thì giá đất trong bảng giá đất có sự chênh lệch lớn so với mặt bằng thực tế, dẫn đến khi triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 xuất hiện một số vướng mắc", ông Ngân chia sẻ.
Trong đó, trường hợp khi bảng giá đất điều chỉnh có sự thay đổi lớn, tăng cao đột biến, chênh lệch rất lớn so với bảng giá đất hiện hành sẽ tác động đến người dân, doanh nghiệp sử dụng đất. Nhất là khi thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp áp dụng bảng giá đất quy định tại khoản 1 Điều 159 Luật Đất đai 2024… do số tiền mà người dân, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ tăng cao đột biến so với khi áp dụng bảng giá đất hiện hành của địa phương đó.
Trường hợp địa phương không điều chỉnh bảng giá đất mà sử dụng giá đất trong bảng giá đất hiện hành làm giá khởi điểm để đấu giá đất với những thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng, dẫn đến sự chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá đất thực tế tại địa phương thì rất dễ khiến giá đất trong kết quả đấu giá chênh lệnh cũng rất lớn so với giá khởi điểm tạo gây ra đột biến, bất thường.
Mặt khác, do bảng giá đất không được điều chỉnh quá thấp so với giá đất thực tế ở địa phương dẫn đến việc có thể gây thất thu cho ngân sách nhà nước.
Đối với trường hợp không kịp thời điều chỉnh hay điều chỉnh bảng giá đất tăng ở mức cao đột biến đều dẫn đến các phản ứng trái chiều, thiếu đồng thuận trong dư luận xã hội, tiềm ẩn nguy cơ lợi dụng để trục lợi, gây nhiễu loạn thị trường, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh...
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, tình trạng nêu trên xảy ra xuất phát từ một số nguyên nhân: Thứ nhất, bảng giá đất hiện hành xây dựng theo quy định của Luật Đất đai 2013 và bị khống chế bởi khung giá đất của Chính phủ (đã được bỏ tại Luật Đất đai 2024).
Đặc biệt, trong thời gian thực hiện bảng giá đất, một số địa phương chưa kịp thời theo dõi biến động giá đất phổ biến trên thị trường để điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Do đó, giá đất trong bảng giá đất tại một số địa phương còn thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế ở địa phương.
Thứ hai, việc điều chỉnh bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 là cần thiết, đảm bảo có lộ trình chuyển tiếp trong việc áp dụng giá đất tại địa phương.
"Tuy nhiên, khi xây dựng bảng giá đất, nếu cơ quan tham mưu chưa có khảo sát toàn diện, đầy đủ và đánh giá các tác động, chưa có lộ trình phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương khi đưa ra dự thảo bảng giá đất điều chỉnh sẽ có sự chênh lệch rất lớn so với bảng giá đất hiện hành", ông Ngân nói.
Do đó, Thủ tướng đã có công điện về việc tổ chức triển khai có hiệu quả việc thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và công điện về việc kịp thời chấn chỉnh công tác đấu giá quyền sử dụng đất để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kịp thời xử lý các tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành.
Bộ TN-MT đã có các công văn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó hướng dẫn các địa phương khi áp dụng giá đất trong bảng giá đất phục vụ cho công tác quản lý đất đai rà soát, đánh giá để quyết định điều chỉnh bảng giá đất áp dụng đến hết ngày 31/12/2025 cho phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương.
Bộ trưởng Bộ TN-MT cũng cho thành lập tổ công tác để tiếp nhận các ý kiến phản ánh, các kiến nghị đề xuất của địa phương để kịp thời hướng dẫn, xử lý các khó khăn vướng mắc ngay từ đầu.