Mưa lớn trong hai ngày 7 và 8/9 khiến nước từ thượng nguồn đổ dồn về làm cho nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên ngập cục bộ, người và phương tiện không thể di dời, do đó lực lượng chức năng đã cắm biển cấm người và phương tiện đi qua như Cầu Bến Tượng, cầu Gia Bẩy và nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.Thái Nguyên, các huyện trong tỉnh.
Có những nơi nước ngập sâu cả hơn mét, nước tràn nhà dân gây ngập úng nhiều đồ đạc. Nhiều khu vực lúa và hoa màu chìm sâu trong biển nước.
Ngay trong đêm 8/9, tại các địa phương như TP.Thái Nguyên, TP.Phổ Yên, huyện Phú Bình, các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn đã di dời khẩn cấp hàng nghìn hộ dân ra khỏi vùng nước ngập.
Lực lượng chức năng đã huy động thuyền, ca nô, xe tải lớn, xe quân sự để hỗ trợ người dân di chuyển người và phương tiện ra khỏi những khu vực ngập sâu.
Cũng trong đêm 8/9, địa phương đã huy động các lực lượng quân đội và người dân gia cố đê sông Cầu ở những điểm xung yếu để ngăn lũ và sạt lở.
Đồng thời, trong đêm 8/9, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Huy Dũng đã chủ trì cuộc họp khẩn để triển khai các biện pháp cấp bách nhằm kịp thời ứng phó với lũ trên sông Cầu và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Tại Trạm thuỷ văn Gia Bẩy mực mực nước lũ lúc 1 giờ ngày 9/9 là 2.756cm, tới 3 giờ cùng ngày đã lên mức 2.780cm, cao hơn 80cm so với báo động cấp 3 và tiếp tục có xu hướng tăng.
Tại Trạm thuỷ văn Gia Bẩy, vào sáng 9/9 đỉnh lũ có khả năng ở mức 2.830cm, cao hơn 130cm so với báo động cấp 3. Tại hồ Núi Cốc trên sông Công, mực nước lúc 1 giờ sáng ngày 9/9 là 4.596cm và đã tiến hành xả lũ với lưu lượng xả tràn ở mức 150m3/s.
Trước đó trong sáng 8/9 trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, đã có 1 cháu bé sinh năm 2019 ở xóm Khe Mong, xã Văn Lăng bị trượt chân ngã xuống khe nước và bị nước lũ cuốn trôi đến nay vẫn chưa tìm được.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trên địa bàn và khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3, ngày 9/9 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Nguyên đã cho học sinh nghỉ học.
Theo người dân sinh sống 2 bên bờ sông Cầu, TP.Thái Nguyên, kể từ sau trận lũ lịch sử vào năm 2001 đến nay, chưa bao giờ mực nước sông Cầu dâng cao như hiện tại.
Anh Đặng Ngọc Hiếu, phường Chùa Hang, TP.Thái Nguyên cho biết: "Nước bắt đầu dâng cao từ tối 8/9 khiến toàn bộ khu vực chủa Hang ngập sâu. Gia đình tôi phải tức tốc di chuyển đồ đạc trong đêm nhưng vẫn có nhiều đồ bị ngập ướt và hư hỏng. Trong quá trình di chuyển đồ đạc, tôi đã bị thương ở chân nhưng gọi cứu hộ để đưa đi cấp cứu mà không được".
Anh Kiều Văn Nam, xã Tân Kim, huyện Phú Bình thông tin: "Chưa bao giờ tôi thấy nước dâng cao và ngập sâu như đợt này. Nước đã gây ngập và chia cắt nhiều tuyến đường, nhiều diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn huyện khiến chúng tôi không thể di chuyển được. Hiện nước từ các nơi vẫn đang đổ dồn về rất lớn khiến chúng tôi vô cùng lo lắng".
Theo Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Thái Nguyên, vào lúc 2 giờ 40 phút, vùng mây đối lưu đang phát triển gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông trên khu vực huyện Đại Từ, Định Hóa và TP. Phổ Yên.
Các vùng mây đối lưu đang phát triển trên khu vực tỉnh Bắc Kạn có xu hướng di chuyển về phía tỉnh Thái Nguyên. Trong khoảng thời gian hiện tại cho đến 3h tới, những vùng mây đối lưu này tiếp tục phát triển, di chuyển gây mưa vừa, mưa to tại huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, TP.Sông Công và các địa phương lân cận trọng tỉnh.
Trong mưa dông cần đề phòng sét, lốc và gió giật mạnh có thể làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông và cơ sở hạ tầng gây nguy hiểm cho tính mạng con người.
Từ 23 giờ ngày 7/9 đến 23 giờ ngày 8/9, các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đều có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Điển hình như: Cúc Đường 232mm, Thần Sa 221,4mm (Võ Nhai); Tân Linh 120,4mm (Đại Từ); Hóa Thượng 264,4mm, Cây Thị 204,5mm, Minh Lập 208,4mm (Đồng Hỷ); Lương Sơn 174,6mm (Sông Công); Đồng Quang 172,6mm (TP. Thái Nguyên); Phổ Yên 121,2mm; Tân Khánh 144,6mm (Phú Bình); Chợ Chu 303,6mm, Quy Kỳ 257,2mm (Định Hóa); Yên Đổ 236,2mm, Yên Lạc 232,2mm (Phú Lương).
Trước tình hình đó, các sở, ban, ngành của tỉnh Thái Nguyên và các huyện, thành phố đã và đang gấp rút tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều; thực hiện tốt phương châm "bốn tại chỗ"; đảm bảo bám sát phương án ứng phó thiên tai, phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm đã được phê duyệt.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng để phối hợp xử lý kịp thời các tình huống do mưa lớn, lũ, ngập lụt gây ra…