Bà Hà Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho biết, Sở này đã báo cáo xin ý kiến UBND tỉnh Bình Định để kiểm tra tình trạng Nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men Takao của Công ty CP Takao Bình Định tiếp nhận bột đá, khi chưa hoàn thành hồ sơ thủ tục môi trường, theo quy định.
Theo báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bình Định, ngày 05/9/2024, Báo điện tử Dân Việt có đăng bài viết "Nhà máy gạch nghìn tỷ nhận bột đá khi chưa được phép, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định nói gì?".
Theo đó, bài báo có phản ánh Nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men tại Cụm công nghiệp Gò Cầy, huyện Tây Sơn của Công ty CP Takao Bình Định dù chưa được phép tiếp nhận bột đá, để làm nguyên liệu sản xuất nhưng đã thực hiện việc vận chuyển bột đá về tập kết tại nhà máy.
Theo Sở TN&MT tỉnh Bình Định, dự án Nhà máy gạch, ngói Takao tại Cụm công nghiệp Gò Cầy, huyện Tây Sơn của Công ty CP Takao Bình Định đã được UBND tỉnh cấp Giấy phép môi trường số 175/GPMT-UBND ngày 15/9/2023. Nguyên liệu sản xuất gạch, ngói của nhà máy từ đất sét và các loại phụ gia; công ty có văn bản cam kết không sử dụng bột đá làm nguyên liệu sản xuất.
Nhưng, đến nay, công ty lại đề xuất cho phép sử dụng bột đá của các cơ sở chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh, làm một loại nguyên liệu mới cho xương gạch.
Sở này nhận thấy, việc tái sử dụng chất thải công nghiệp nói chung và chất thải bột đá nói riêng để tạo ra các sản phẩm có ích là cần thiết và được khuyến khích để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chất thải. Ngoài ra, thời gian qua trên địa bàn tỉnh các cơ sở chế biến đá granite không thực hiện đảm bảo công tác thu gom, xử lý bột đá nên có tình trạng đổ thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Do đó, việc Công ty CP Takao Bình Định có mong muốn tận thu bột đá cho quá trình sản xuất gạch, là phù hợp.
Để việc tái sử dụng chất thải bột đá cho sản xuất của Công ty CP Takao đảm bảo tính pháp lý và tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường, Sở TN&MT tỉnh Bình Định đề xuất UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Thống nhất chủ trương cho phép Công ty CP Takao sử dụng bột đá thải từ các cơ sở chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh làm nguyên liệu sản xuất tại Nhà máy gạch, ngói Takao tại Cụm công nghiệp Gò Cầy, huyện Tây Sơn.
Tuy nhiên, yêu cầu Công ty CP Takao thực hiện đảm bảo các thủ tục pháp lý về môi trường và các thủ tục khác có liên quan để có thể thực hiện việc tái sử sụng bột đá cho sản xuất. Công ty chỉ được phép sử dụng bột đá cho sản xuất khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý và các giải pháp bảo vệ môi trường.
"Giao Sở TN&MT hướng dẫn Công ty thực hiện thủ tục pháp lý về môi trường đối với việc tái sử dụng bột đá cho sản xuất; kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy gạch, ngói Takao", Sở TN&MT tỉnh Bình Định đề xuất.
"Chỉ được phép sử dụng bột đá cho sản xuất, sau khi thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và giải pháp bảo vệ môi trường"
Ngày 10/9, xét đề nghị của Sở TN&MT, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tự Công Hoàng ký công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn.
Cụ thể, về chủ trương, đồng ý cho Công ty CP Takao Bình Định được sử dụng bột đá thải từ các cơ sở chế biến đá granite trên địa bàn tỉnh để làm nguyên liệu sản xuất phục vụ Nhà máy gạch, ngói Takao tại Cụm công nghiệp Gò Cầy, huyện Tây Sơn.
Thế nhưng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, Công ty CP Takao Bình Định chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất đảm bảo số lượng, chất lượng sản phẩm, tuân thủ các thủ tục pháp lý về môi trường và các thủ tục khác có liên quan để thực hiện việc tái sử sụng bột đá cho sản xuất. Công ty chỉ được phép sử dụng bột đá cho sản xuất sau khi thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý và các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định.
"Giao Sở TN&MT, Sở KH&CN chủ trì, hướng dẫn Công ty CP Takao Bình Định thực hiện các trình tự thủ tục về pháp lý, môi trường đối với việc tái sử dụng bột đá cho sản xuất. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Nhà máy gạch, ngói Takao theo quy định", Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay.
Trước đó, báo Dân Việt đã thông tin, Nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men Takao (giai đoạn 1) tại Cụm công nghiệp Gò Cầy, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, của Công ty CP Takao Bình Định, chính thức khánh thành đi vào hoạt động, vào tháng 6/2024.
Dự án này có tổng diện tích 31,5 ha, quy mô công suất 21,2 triệu m2/năm, tổng vốn đầu tư hơn 1.920 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của dự án là gần 1.000 tỷ đồng.
Trước khi nhà máy khi vào hoạt động, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Takao Bình Định Trần Ngọc Hưng đã ký công văn số 02/CV-TKB ngày 16/5/2023 gửi Sở TN&MT tỉnh Bình Định cam kết rằng: "Công ty không sử dụng bột đá làm nguyên liệu sản xuất. Tuân thủ theo đúng quy định và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật".
Trong khi đó, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Bình Định khẳng định, đến thời điểm hiện tại, Nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men Takao, vẫn chưa được phép tiếp nhận bột đá để làm nguyên liệu sản xuất, theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt.
Tuy nhiên, trên thực tế theo ghi nhận của phóng viên, vào cuối tháng 8, đầu tháng 9/2024, có rất nhiều phương tiện đã vận chuyển bột đá thải từ các doanh nghiệp chế biến đá tại Khu công nghiệp Phú Tài như: Xí nghiệp 380 (Công ty CP Phú Tài), Công ty TNHH Tân Trung Nam…, chở về tập kết ở Nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men Takao, tại Cụm công nghiệp Gò Cầy, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Đáng lo ngại hơn, trên đường đi các phương tiện còn để rơi vãi bột đá trên đường, gây ô nhiễm môi trường và hiểm hoạ cho người tham gia giao thông.
Tại buổi làm việc với phóng viên báo Dân Việt vào ngày 5/9, bà Hà Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định khẳng định, đến nay, Sở TN&MT tỉnh Bình Định chưa biết việc Công ty CP Takao Bình Định vận chuyển bột đá về tập kết tại nhà máy và cũng chưa nhận được báo cáo của doanh nghiệp về sự việc trên.
"Theo hồ sơ môi trường đã được thẩm định, thì Công ty CP Takao Bình Định chưa được phép tiếp nhận bột đá để làm nguyên liệu sản xuất", bà Hương khẳng định.
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định, tới đây Sở sẽ yêu cầu doanh nghiệp báo cáo và xin ý kiến của UBND tỉnh Bình Định, để kiểm tra hiện trường.
"Nếu chưa được quyền sản xuất mà đưa bột đá, vào dây chuyền sản xuất, thì đây là hành vi lớn. Sở vẫn chưa biết doanh nghiệp tập kết bột đá để dùng vào việc gì. Chúng tôi sẽ kiểm tra tình hình thực tế và có báo cáo kết quả cho UBND tỉnh quyết định", bà Hương nói.
Vẫn theo bà Hương, mặc dù trước đây Công ty CP Takao Bình Định cam kết không sử dụng bột đá làm nguyên liệu sản xuất.
Tuy nhiên, cách đây vài ngày, Công ty CP Takao Bình Định đã thay đổi ý định ban đầu và có văn bản đề nghị Sở TN&MT tỉnh Bình Định, hướng dẫn về thủ tục hồ sơ môi trường về việc tiếp nhận bột đá để phục vụ sản xuất, tại Nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men Takao.
Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bình Định cho rằng, theo quy định, nếu Nhà máy sản xuất gạch ốp lát cao cấp và ngói tráng men Takao muốn tiếp nhận bột đá để làm nguyên liệu sản xuất, thì phải điều chỉnh hồ sơ môi trường ban đầu, vì trước đây trong hồ sơ môi trường không có việc, tiếp nhận bột đá.
"Vì vậy, cần điều chỉnh lại quy trình công nghệ và bổ sung hồ sơ môi trường. Đánh giá về bột đá, quá trình nghiền có phát sinh nước thải không, nếu có thì phải xây dựng hệ thống xử lý môi trường đi kèm và các vấn đề liên quan. Sở sẽ hướng dẫn thủ tục theo đề nghị của doanh nghiệp, để hoàn thiện hồ sơ môi trường, theo đúng quy định pháp luật", bà Hương cho hay.