Sau cơn bão được đánh giá là "đặc biệt" trong lịch sử bão ở biển Đông, chỉ còn lại đôi mắt vô vọng ngóng chờ người thân bên một nhịp cây cầu gãy gục, chỉ còn hình ảnh đứa trẻ bơ vơ vì cả nhà đã bị vùi lấp sau sạt lở, chỉ còn hình ảnh dòng lũ dữ đục ngầu và thứ còn lại mãi mãi đó là tình quân dân, nghĩa đồng bào, điều đã giúp Việt Nam đi qua và mạnh mẽ vươn lên trong giông bão.
Ngay từ đầu, khi mới hình thành trên biển Đông, YAGI (bão số 3) đã là một cơn bão rất đặc biệt bởi tốc độ tăng cấp của nó nhanh chưa từng có. Bão hình thành phía Đông của Philippines nhưng nhanh chóng mạnh lên thành siêu bão trên biển Đông và là cơn bão mạnh nhất trên biển Đông trong vòng 30 năm qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17; khi đổ bộ vào đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Các chuyên gia khí tượng nhận định, YAGI cũng là cơn bão có thời gian lưu bão dài và duy trì cường độ gió bão, gió giật rất mạnh. Chính vì vậy, trên đường nó đi qua, nhiều công trình hạ tầng, cột điện, cột viễn thông bị phá hủy; nhiều diện tích hoa màu, cây cối ngã rạp; TP.Hải Phòng, Quảng Ninh và nhiều địa phương khác thiệt hại nặng nề do bão.
Đáng chú ý, hoàn lưu ảnh hưởng của bão số 3 quá rộng nên đã gây mưa, ngập lụt cho nhiều địa phương các tỉnh miền núi phía Bắc, từ Yên Bái, Tuyên Quang đến Hà Giang, Cao Bằng, Thái Nguyên,…
Tính đến hết ngày 10/9/2024, mưa lũ đã làm 146 người chết, mất tích; 752 người bị thương; 85 tàu thuyền các loại bị chìm tại nơi neo đậu ở Quảng Ninh. 148.632 ha lúa; 26.186 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 11.038 ha cây ăn quả bị hư hại; 1.577 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi…
Sau tất cả những đổ nát, hoang tàn do siêu bão YAGI – bão số 3 gây ra trên tất cả những cung đường mà nó quét qua, chỉ còn lại những cây xanh bật trơ gốc, nằm ngổn ngang trên đường phố, những mái nhà hở toác, những cột điện, bảng hiệu, cột viễn thông đổ sập; chỉ còn lại những giọt nước mắt vô vọng nhìn người thân của mình bị vùi lấp trong đống đổ nát; chỉ còn lại một đứa trẻ bơ vơ vì cả gia đình của em đã bị đất đá sạt lở cướp đi; chỉ còn lại một nhịp cầu Phong Châu trơ trọi giữa dòng nước chảy xiết, để lại sự hoang mang, đau xót của những người ở lại chưa biết người thân của mình đang lưu lạc phương nào.
Trên mạng xã hội 2 ngày qua, người ta chứng kiến đâu đâu cũng là những dòng kêu cứu của người dân Yên Bái, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai... vì nơi mình ở nước đã ngập lút đầu người; chỉ còn lại sự bất lực trước sức mạnh không tưởng của dòng thác lũ, như muốn cuốn phăng tất cả trên đường nó đi qua; chỉ còn lại ánh mắt thất thần và giọt nước mắt bàng hoàng của những người may mắn thoát chết trong gang tấc khi cả làng Nủ (Bảo Yên, Lào Cai) trong chớp mắt bị lũ ống ập xuống xóa đi mọi dấu vết của 35 hộ gia đình với hơn 100 người dân...
Nhưng siêu bão YAGI, mưa lũ không thể cướp đi mọi thứ, điều còn lại bền vững và mãi mãi là tình quân dân, nghĩa đồng bào, là thứ đã giúp Việt Nam "sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa".
Bởi ngay trong tâm bão, hình ảnh khiến tôi vô cùng xúc động là một đoàn xe ô tô đã đi thật chậm, che chắn cho dòng xe máy vượt qua cầu Nhật Tân (Hà Nội) trong cơn cuồng phong mang tên YAGI; là hình ảnh một người ngư dân đã may mắn thoát nạn, trở về trong vòng tay của gia đình, sức mạnh của ý chí, của nghị lực đã giúp biết bao thế hệ người Việt vượt qua những giây phút cam go như thế.
Những ngày này, bên cạnh những hình ảnh ngập tràn về mưa lũ, sạt lở thì cũng có những điều khiến chúng ta ấm lòng khi bắt gặp hình ảnh những người hùng giữa thời bình, bất chấp hiểm nguy lái thuyền lao ra giữa dòng nước xiết cứu người bị nạn mà không một phút đắn đo trong vụ sập cầu Phong Châu; nhưng khi được hỏi, anh Ngô Văn Khanh (khu 5, xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ) chỉ nói đơn giản, trong khoảnh khắc đó, anh gần như làm việc theo bản năng. Trong đầu duy nhất chỉ có ý nghĩ là làm sao cứu được người sớm nhất có thể...
Đó còn là những hình ảnh đẹp của người chiến sỹ trẻ - Đại úy Nguyễn Đình Khiêm, Đại đội trưởng Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 513, Quân khu 3, người đã mãi mãi không về trong khi làm nhiệm vụ giúp dân phòng chống bão số 3 tại Quảng Ninh.
Đó chính là hình ảnh từng đoàn xe chở thuyền, phương tiện cứu hộ lên Thái Nguyên, Yên Bái ứng cứu; là đoàn xe chở theo các cán bộ, nhân viên của Trung tâm Công viên cây xanh TP. Đồng Hới, Công ty TNHH Jungle Boss ở Quảng Bình lên đường tham gia hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra tại TP. Hà Nội và Hải Phòng; là 25 tỷ đồng TP.Đà Nẵng dành cho tâm bão cùng nhiều nhân sự ra miền Bắc chung tay nhanh chóng khắc phục hậu quả sau bão; là quyết định của tỉnh Quảng Ninh, TP.Hải Phòng nhường kinh phí 100 tỷ đồng Trung ương phân bổ để khắc phục hậu quả bão lũ cho các địa phương khác còn khó khăn hơn.
Đó cũng là bức thư của Bí thư Thành ủy Hải Phòng gửi nhân dân toàn thành phố cùng phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, tinh thần “tương thân, tương ái”, biến tình yêu Hải Phòng thành sức mạnh, chung tay, sẻ chia, hỗ trợ, động viên lẫn nhau khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra nhằm nhanh chóng đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường...
Và chúng tôi, những người làm báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt cũng không đứng ngoài cuộc; khi cử hàng chục phóng viên lao vào các điểm nóng đưa tin, phản ánh kịp thời, đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ đồng bào khó khăn trong mưa lũ, cập nhật đến hết ngày 10/9, báo Nông thôn Ngày nay đã kêu gọi được hơn 500 triệu đồng và hàng nghìn suất quà để gửi tới người dân những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Mọi cơn bão rồi sẽ tan, nước sông sẽ trôi ra biển lớn, ngày mai nắng lên, chỉ còn tình người ở lại…