Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Chăm trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước" sẽ diễn ra trong 3 ngày (từ ngày 27/9 đến ngày 29/9) tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận.
Trong Lễ Khai mạc diễn ra lúc 20h ngày 27/9 tại Quảng trường - Tượng đài 16/4 thành phố Phan Rang - Tháp Chàm sẽ đón nhận bằng công nhận 2 Bảo vật quốc gia là tượng thờ vua Pô Klong Garai và bia ký Phước Thiện thuộc Di sản văn hóa Chăm.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Thuận cho biết, tượng thờ vua Pô Klong Garai có niên đại thế kỷ khoảng thế kỷ XVI – XVII. Đây là tác phẩm điêu khắc cổ quý hiếm, thể hiện hình ảnh Thần - Vua rất đặc biệt trong nghệ thuật cổ Champa. Tượng được tạo tác thành một phù điêu bán tượng tròn nổi trên một trụ đá hình tròn, được đục, chạm trổ cẩn trọng, khéo léo trên chất liệu đá thể hiện tính mỹ thuật cao, tay nghề tinh mỹ và nghệ thuật độc đáo về hình tượng Mukhalinga.
Tượng không có đầu thần Shiva mà thay vào đó là tượng vua gắn vào Linga - một hình ảnh trừu tượng của một vị thần tối cao là thần Shiva tượng trưng cho sự hủy diệt, huyền ảo, uy quyền và bất diệt, cùng hình ảnh vị vua oai nghiêm đầy sáng tạo trong điều hành đất nước và chăm lo cho hạnh phúc của muôn dân. Đó sự kết hợp phong cách độc đáo giữa tinh thần tôn giáo Ấn Độ và tư duy tín ngưỡng bản địa, thể hiện vương quyền và thần quyền nhất thể. Tượng hiện được người Chăm thờ phụng trong đền tháp Pô Klong Garai ở phường Đô Vinh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm.
Bia Phước Thiện được phát hiện vào năm 1992, tại cánh đồng thuộc thôn Phước Thiện, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Bia có niên đại vào khoảng cuối thế kỷ VIII - đầu thế kỷ IX, trên hai mặt tấm bia được khắc chữ Phạn (Sanskrit).
Bia Phước Thiện mang tính lịch sử, đánh dấu một giai đoạn phát triển thịnh đạt của vương quốc Champa lúc bấy giờ - là thời kỳ trị vì của vua Satyavarman. Văn khắc đã gợi mở niên đại xây dựng ngôi đền tháp tại khu vực này, mang giá trị lịch sử triều đại, lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng, cũng như lịch sử kỹ thuật văn khắc của vùng đất Panduranga ở thời kỳ phát triển cao kéo dài suốt nhiều thế kỷ.
Công trình này là tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo mang đậm nét đặc trưng văn hóa riêng của người Chăm, vừa là văn bản cổ quý hiếm, tác phẩm văn học phản ánh về đời sống kinh tế xã hội, phản ánh tài năng, công đức của các vị vua lúc bấy giờ, thể hiện giá trị nhân văn, thẩm mỹ tiêu biểu của nền văn hóa Chăm.
Tượng thờ Vua Pô Klong Garai và bia Phước Thiện đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 73/QĐ-TTg công nhận là bảo vật quốc gia (đợt 12, năm 2023) vào ngày 18/1/2024.
Theo thông tin từ bà Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ VHTTDL, ngày hội văn hóa dân tộc Chăm được tổ chức nhằm tôn vinh, giới thiệu giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Chăm tới bạn bè trong nước và quốc tế. Tăng cường quảng bá hình ảnh một đất nước Việt Nam giàu bản sắc văn hóa, có sự thống nhất và hòa hợp giữa các dân tộc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Chăm trong công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.
Sự kiện sẽ có sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào dân tộc Chăm của 9 tỉnh, thành phố gồm: Ninh Thuận, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận, An Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Đà Nẵng và TPHCM.
Các hoạt động văn hóa bao gồm trình diễn lễ hội, trình diễn trang phục truyền thống, nghi thức sinh hoạt văn hóa của người Chăm (đặc biệt khi người Chăm có 3 tôn giáo là Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni và Chăm Islam), các triển lãm giới thiệu sản phẩm văn hóa - du lịch, các nghề thủ công truyền thống, nổi bật có nghề gốm Bàu Trúc.
Trong khuôn khổ sự kiện, chủ nhà là tỉnh Ninh Thuận cũng sẽ mang đến cuộc thi ẩm thực giữa các tỉnh-thành phố để quảng bá những món ăn đặc sắc của vùng đất này.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa còn có các hoạt động về thể dục - thể thao truyền thống. Gồm 6 môn: kéo co, đẩy gậy, bóng đá mini (nam), bóng chuyền (nam), đội nước (nữ), việt dã (nam, nữ). Các hoạt động kéo dài trong hai ngày 27 và ngày 28/9.
Về du lịch sẽ có một hội thảo với chủ đề "Phát huy giá trị di sản văn hóa Chăm trong phát triển du lịch" diễn ra chiều ngày 28/9.
"Chúng tôi mong các hoạt động của ngày hội sẽ tạo điểm nhấn, kích cầu du lịch các địa phương tham gia và đăng cai tổ chức ngày hội, đặc biệt khi có sự tham gia của không chỉ các cơ quan quản lý, mà còn doanh nghiệp từ 9 tỉnh, thành phố, giúp thúc đẩy những giải pháp phát triển thiết thực du lịch địa phương", Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh.
Bên cạnh các hoạt động văn hóa, du lịch còn có các hoạt động thể thao, diễn ra tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Ninh Thuận, Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Ninh Thuận, Quảng trường 16/4, các di tích lịch sử, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh…