Ông Nguyễn Nguyên Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân TP Hà Nội cho biết: Tiếp tục thực hiện Công điện số 12 ngày 8/9/2024 của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội chỉ đạo và hướng dẫn Hội Nông dân các huyện, thị xã triển khai nhiều giải pháp để ứng phó với những thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Trong đó tập trung: Phối hợp với cấp ủy, chính quyền triển khai công tác ứng phó theo phương châm "bốn tại chỗ" một cách linh hoạt, thực chất theo nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, không để bị động, bất ngờ với các tình huống, đảm bảo hiệu quả kịp thời để giảm thiểu thiệt hại cho hội viên nông dân và nhân dân.
Các cấp Hội tăng cường rà soát, nắm bắt, báo cáo về tình hình ngập úng; những thiệt hại do bão gây ra đối với đời sống, các hoạt động sản xuất- kinh doanh của hội viên nông dân trên địa bàn để đề xuất với cấp ủy, chính quyền có biện pháp hỗ trợ kịp thời và khắc phục những thiệt hại.
Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại, ảnh hưởng, các cấp Hội bám sát các văn bản triển khai của ngành nông nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân các biện pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả; phối hợp với các đoàn thể tham gia thu dọn, dựng trồng lại cây xanh bị đổ để đảm bảo an toàn đi lại cho nhân dân.
Cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền thăm hỏi, động viên hội viên nông dân bị thiệt hại vượt qua khó khăn tiếp tục sản xuất.
Các cấp Hội Nông dân Hà Nội chủ động các hoạt động đoàn kết, tương trợ trong nông dân; các biện pháp ổn định cuộc sống cho hội viên nông dân; hộ nông dân già, yếu, neo đơn, người tàn tật; các biện pháp hỗ trợ về kinh phí, giống, vốn, vật tư, thức ăn chăn nuôi… giúp nông dân khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp.
Hội Nông dân cơ sở trên địa bàn Hà Nội triển khai rà soát, đánh giá các hộ nông dân vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân bị thiệt hại nặng nề do bão, đồng thời thiết lập hồ sơ pháp lý xem xét xử lý nợ bị rủi ro cho các hộ vay vốn theo quy định.
Chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng nắm sát tình hình địa bàn cơ sở theo sự phân công; triển khai nghiêm, hiệu quả, chặt chẽ tập trung bảo vệ những mục tiêu trọng tâm, trọng điểm, những địa bàn xung yếu, những nơi có nguy cơ mất an toàn đối với người dân, như: có thể xảy ra lũ quét, sạt lở đất, nhà cửa có nguy cơ sụt lún, đổ sập; chỉ đạo tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người dân tránh trú an toàn; kiên quyết di dời người dân ra khỏi vùng ngập sâu sinh sống và sản xuất nông nghiệp dọc theo các bờ sông như: Sông Hồng, Sông Tích, Sông Bùi…